Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Trị sự chấn chỉnh Tăng Ni vi phạm Hiến chương GHPGVN

Ngày đăng: 07/03/2024 11:48 AM

    Đó là một trong những nội dung được đề cập trong Văn bản số 285/TGCP-PG của Ban Tôn giáo Chính phủ do bà Phó Trưởng ban Trần Thị Minh Nga ký ngày 1-3-2024, gửi đến Hội đồng Trị sự GHPGVN.

    Bà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng HuyBà Trần Thị Minh Nga, Phó Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN - Ảnh: Đăng Huy

    Theo đó, trong văn bản của Ban Tôn giáo Chính phủ do bà Trần Thị Minh Nga ký, nhận định: Qua công tác quản lý nhà nước, Ban Tôn giáo Chính phủ thấy rằng trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, đa số các cơ sở tự viện Phật giáo đã tổ chức các khóa lễ cầu quốc thái dân an thay vì cúng dâng sao giải hạn, đốt vàng mã, qua đó góp phần xây dựng nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm, bảo vệ môi trường…

    “Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 vừa qua, tại một số cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo vẫn còn có những biểu hiện lệch chuẩn trong thực hành nghi lễ tôn giáo; còn có những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan và có những phát ngôn của những người chuyên hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo thiếu chuẩn mực về tiền dâng cúng, về các điều kiện để thực hiện nghi lễ tôn giáo…; còn hiện tượng chức sắc thuyết giảng chưa đúng với giáo lý, giáo luật, nhất là những nội dung thuyết giảng, phát biểu lan truyền trên không gian mạng chưa phù hợp, tạo nên những phản ứng trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức Giáo hội và niềm tin của nhân dân đối với công tác quản lý của Nhà nước.”, Văn bản số 285/TGCP-PG của Ban Tôn giáo Chính phủ nhận định nhưng không nêu trường hợp cụ thể.

    Cũng trong văn bản này, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Hội đồng Trị sự tiếp tục hướng dẫn các cơ sở tự viện của Phật giáo và Tăng Ni tổ chức các hoạt động tôn giáo, các lễ hội đầu năm theo đúng Hiến chương và quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa của Phật giáo, thuần phong mỹ tục của dân tộc và phong tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương; nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, không để xảy ra các hoạt động lệch chuẩn; hạn chế đốt đồ mã, vàng mã tràn lan gây tốn kém, lãng phí, ảnh hưởng tới môi trường tại các cơ sở tự viện Phật giáo.

    Song song đó, cơ quan lãnh đạo Nhà nước về tôn giáo cũng đề nghị Hội đồng Trị sự GHPGVN tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn Tăng Ni, tín đồ Phật tử và nhân dân hiểu đúng, thực hành đúng giáo lý, giáo luật của Phật giáo; chấn chỉnh Tăng Ni có những biểu hiện lệch chuẩn, vi phạm Hiến chương, Quy chế của GHPGVN.

    Nguồn tin của Báo Giác Ngộ, cho đến thời điểm này, chỉ có GHPGVN là tổ chức tôn giáo nhận được văn bản với các đề nghị như trên từ Ban Tôn giáo Chính phủ.

    Theo Sách trắng về các tôn giáo ở Việt Nam (Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam), do Ban Tôn giáo Chính phủ công bố vào tháng 3-2023, tại nước ta có 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Baha'i,... được công nhận; với 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số cả nước), hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.

    Cũng theo công bố này, Phật giáo chiếm số lượng nhiều nhất với trên 14 triệu tín đồ và 18.544 cơ sở thờ tự vào năm 2021. Kế đến là Công giáo với trên 7 triệu người theo và 7.771 cơ sở thờ tự. Đạo Tin Lành và đạo Cao Đài lần lượt xếp thứ ba và thứ tư về số lượng tín đồ. 

    Diệu Nghiêm/Báo Giác Ngộ

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline