LUẬN VỀ CÚNG SAO GIẢI HẠN ĐẦU NĂM

Ngày đăng: 26/01/2023 01:01 PM

    LUẬN VỀ CÚNG SAO GIẢI HẠN

    Theo quan niệm xưa cho rằng, mỗi người mỗi năm có một ngôi sao chiếu mệnh. Có tất cả 9 ngôi sao gồm Thái Dương, Thái Âm, Thái Bạch, Vân Hớn, Mộc Đức, Thổ Tú, Thủy Diệu, La Hầu, Kế Đô, mỗi năm đều luân phiên xoay quanh từng người, cả nam và nữ. Trong đó có sao tốt mang đến vận khí tốt cho gia chủ và ngược lại cũng có những sao xấu.

    Nếu gặp sao xấu chiếu mệnh thì có thể hóa giải bằng cách “dâng sao giải hạn.

    1. 3 sao tốt gồm: Thái Âm, Thái dương, Mộc đức.
    2. 3 sao trung bình gồm: Thổ tú, Vân hớn, Thủy diệu.
    3. 3 sao xấu gồm: Kế đô, La hầu, Thái bạch.

    LƯỢC GIẢI

    Sao là những hành tinh ngoài trái đất. Trong vũ trụ có hằng tỷ hành tinh chứ không phải chỉ có 9 vì sao này thôi. Và tất nhiên, các vì sao không liên quan gì đến tuổi của mỗi người. Người Phật tử hiểu rõ việc cúng sao giải hạn là việc làm do hủ tục mê tín của người xưa và các chùa duy trì nhằm đưa Phật tử từ mê tín về với chánh tín.

    Thế nào là chánh tín? Theo giáo lý Phật giáo, nhân quả là một quy luật tất yếu. Hạt cam gieo xuống sẽ lên cây cam và ra quả cam chứ không thể ra quả khác được. Gieo nhân lành sẽ gặt quả lành, gieo nhân xấu sẽ gặt quả xấu. Tác nhân gieo và gặt gọi là NGHIỆP. Có 3 nơi tạo nghiệp: Thân làm, miệng nói, Ý nghĩ (thân, khẩu, ý). Thế thì luận theo nhân quả, nghiệp báo thì việc cúng sao, giải hạn không có tác dụng gì đối với số mạng con người. Tin nhân quả gọi là chánh tín, tin sao hạn là một trong những điều tà tín.

    Thế tại sao chùa vẫn cúng sao?

    Thật ra, từ trước giờ những ngày đầu năm các chùa đều cúng CẦU AN mà mọi người cứ gọi là CÚNG SAO. Bởi khi đến chùa, phật tử vẫn hay tìm thầy Trụ trì để hỏi về sao hạn. Thầy Trụ trì không có thời gian để tiếp và giải thích nên đành phải làm bảng ghi SAO HẠN để phật tử tự xem, còn thầy Trụ trì phải có trách nhiệm giải thích thế nào là mê tín, chánh tín trong các buổi giảng để phật tử hiểu rõ hơn. Nếu không làm thế, mọi người vẫn sẽ đến những thầy tà để cầu xin cúng mà không được ai giảng giải.

    Vậy CẦU AN khác với CÚNG SAO như thế nào? Có mê tín không?

    Đầu năm các chùa đều có lập đàn Dược sư, một trong những pháp hội cầu an đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của số đông. Theo giáo bất liễu nghĩa của Đại thừa có tín ngưỡng Đức Phật Dược sư, là vị Phật có đại nguyện cứu giúp con người vượt qua khổ ách về tai nạn, bệnh tật, hoạn nạn… Người cúng trước phải thành tâm sám hối thề bỏ lỗi lầm, không còn tái phạm. Kế, dốc lòng lễ lạy, niệm danh hiệu Ngài một cách thành khẩn. Với niềm tin, Phật, Pháp, Tăng người cúng gia công trì tụng, lễ bái mà phước đức được tăng trưởng, tội chướng sớm được tiêu giảm.

    Luận về nhân quả, nghiệp báo, tin Phật, Pháp, Tăng là phước báo của ý nghiệp. Với niềm tin đó, lễ lạy, cúng dường là phước báo của Thân nghiệp; phúng tụng kinh, chú, niệm danh hiệu Phật là phước báo của khẩu nghiệp. Như vậy, nhờ tu ba nghiệp lành mà giảm, trừ ba nghiệp ác. Do đó mà tam tai, bát nạn, cũng được tiêu trừ, sao, hạn xấu cũng hóa tốt.

     Sưu tầm

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline