LUẬN BÀN VỀ TAM TAI

Ngày đăng: 26/01/2023 12:56 PM

    LUẬN VỀ TAM TAI

    Theo tục lệ từ xưa, đầu năm người VN chúng ta thường đi đền, chùa, miếu mạo cầu cúng sao, hạn, tam tai. Nó đã trở thành tục lệ ăn sâu vào tâm thức con người. Tục lệ đó xuất phát từ Trung Quốc và trở thành một phần văn hóa VN.

    Tuy nhiên, vì quá lệ thuộc vào những điều mê tín con người vô tình đã làm cản trở  sự tiến bộ của xã hội. Trong Phật giáo, sự tà kiến, mê tín chính là chướng ngại vật cho sự tu tập đạt đến cảnh giới cao của trí tuệ.

    Tin vào Tam tai, sao, hạn…là một trong những điều được xem là TÀ KIẾN, một trong 5 thứ Ác kiến (Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ kiến và Giới cấm thủ)

    Vậy, tam tai là gì?

    Theo chu kỳ 12 năm sẽ lặp lại một lần và kéo dài trong 3 năm liên tiếp. Trong 3 năm đó, người ứng với “năm tai tai” sẽ gặp những điều tai ương, bệnh tật và những điều xui xẻo đến với họ.

     

    Cách tính tam tai:

    Thực tế, cách tính này khá đơn giản, bất kỳ ai cũng có thể tính được cho bản thân và gia đình mình. Theo ông bà xưa, chỉ cần dựa vào nhóm tuổi tam hợp để tính thời gian phạm vào hạn tam tai. 

    Nghĩa là, nếu cùng nhóm tuổi tam hợp sẽ gặp hạn vào cùng thời điểm. Và chắc chắn rằng những người cùng tuổi sẽ cùng hạn.

     

    Dần, Mão, Thìn là năm tam tai của nhóm tuổi Thân, Tý, Thìn

    Dưới đây là nhóm tam hợp hóa tam tai và 3 năm gặp hạn:

    » Nhóm tam hợp tuổi Thân, Tý, Thìn – hạn rơi vào 3 năm liên tiếp Dần, Mão, Thìn.

    » Nhóm tam hợp tuổi Mão, Mùi, Hợi  – hạn rơi vào 3 năm liên tiếp Tỵ, Ngọ, Mùi.

    » Nhóm tam hợp tuổi Ngọ, Dần, Tuất – hạn rơi vào 3 năm liên tiếp Thân, Dậu, Tuất.

    » Nhóm tam hợp tuổi Sửu, Tỵ, Dậu  – hạn rơi vào 3 năm liên tiếp , Sửu, Hợi.

    Lưu ý: Các tuổi Thìn, Mùi, Tuất và Dậu sẽ gặp hạn vào chính năm tuổi của mình.

    Năm Tam tai có thật không?

    Để trả lời cho câu hỏi tam tai có thật không thì nó tồn tại hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin, sự trải nghiệm của con người. Vậy nên không tồn tại bất cứ căn cứ nào chứng minh được nó có thật hay không.

    Bài cúng tam tai ra sao và đồ cúng tam tai gồm những gì? Cúng hạn gồm 4 bước chính như sau:

    Những thứ cần chuẩn bị cho lễ cúng tam tai bao gồm:

    » Bài vị cúng tam tai, bài vị tế thần của năm, viết trên giấy đỏ và mực đen. 

    » Áo cũ của người cúng, gương và lược cũ, ít tóc và móng tay, móng chân của người bị hạn. Ngoài ra, cần mua thêm 2 hình nhân, sau đó bỏ tất cả vào thuyền giấy gói lại và dâng lên bàn lễ.

    » Bộ tam sên gồm: thịt heo – tượng trưng cho Thổ, tôm hoặc cua sống – tượng trưng cho Thủy, trứng vịt – tượng trưng cho Thiên.

    » Chuẩn bị 3 ly rượu nhỏ, 3 nén hương, 3 đèn cầy, 3 điếu thuốc, 3 miếng trầu và 3 lễ tiền vàng. Thêm một đĩa trái cây tươi, hoa, đĩa muối gạo nhỏ.

    »  Thêm các bộ đồ thế. Theo dân gian nam thất nữ cửu, nếu là nam thì 7 bộ, nữ thì 9 bộ.

    Lưu ý: Hình nhân và các bộ đồ thế phải ghi tên, tuổi, địa chỉ và sao hạn lên từng bộ.

    Thời gian cúng: hạn sẽ rơi vào khoảng từ 18h đến 20h,

    Vị trí cúng: ở sân hoặc ngã 3 đường, (ngã 3 càng lớn sẽ càng tốt).

    (Văn khấn đã lược bỏ)

    Sau khi vái xong, bạn đợi nhang tàn và đốt gói giấy tiền vàng bạc, các bộ đồ thế, rải muối gạo ra đường.

    Về phần thuyền giấy được gói trước đó, bao gồm: tóc, móng tay, móng chân,… đem ra ngã 3 đường vứt. Hãy nhớ rằng tuyệt đối không ngoái đầu lại nhìn.  

    (trích dẫn trong vietnam.net)

    LƯỢC GIẢI:

    Như đã nói trên, niềm tin vào tam tai đã có tự lâu đời không biết nguồn gốc từ đâu, chỉ biết nó du nhập từ tập tục của người Trung Quốc và ảnh hưởng sâu nặng thuyết âm dương, ngũ hành của Lão Trang rồi biến tấu thêm cho đậm chất huyền bí.

    Nhưng đứng về gốc độ khoa học, thuyết tam tai hoàn toàn không có cơ sở. Tai bay họa gởi nó không do năm tháng ngày giờ và tuổi tác quy định. Bằng chứng là nhiều người tai ách nhưng đâu liên quan đến “năm tam tai” của họ đâu. Ngược lại, có những người nằm trong “khung tam tai”, nhưng hoàn toàn vô sự. Điều đó cho thấy “thuyết tam tai” là không có cơ sở. Nếu có chẳng qua là trùng hợp ngẫu nhiên thôi.

    Đứng về thuyết nhân quả của Phật giáo càng thấy vô lý. Nhưng do quan niệm và truyền miệng “Có kiêng có lành” nên hủ tục trên vẫn tồn tại dù có thời gian bị cấm

    Thế nên người con Phật phải biết niềm tin vào “năm tam tai” cũng như tin vào sao, hạn là tà tín xuất phát từ tà kiến. Đạo Phật dạy con người phải có Chánh kiến là một trong Tám con đường chân chánh (Bát chánh đạo)

    VẬY CHÚNG PHẢI LÀM GÌ VỚI “NĂM TAM TAI”.

    1. Trước hết, xác định niềm tin trên đây là không có cơ sở, nó chỉ tồn tại qua thời gian khi khoa học và Phật pháp chưa tiếp cận quần chúng để soi sáng vấn đề, những tiềm ẩn tâm lo sợ tai ương, hoạn nạn đến với bản thân, gia đình bất cứ lúc nào. Tâm lý con người luôn mong mỏi sự bình yên, luôn cầu mong có sự che chở của thần thánh. Đó là nguyên nhân để “nghĩ ra” thuyết tam tai.
    2. Chúng ta dứt khoát không hùa theo số đông để rồi tự mình gây áp lực cho bản thân khi đến “năm tai tai”. Chúng ta nên giải thích người thân, bạn bè nên sáng suốt nhận ra điều phi lý đó bằng những lời khuyên chân tình và khéo léo. Nghĩa là không nên dùng những lời gay gắt, ra lệnh, cấm cản, miệt thị. Chỉ dùng lời ôn tồn thuyết phục cho đến khi họ hiểu ra, tức khắc họ sẽ bỏ.
    3. Nên học hỏi Phật Pháp, nhất là thuyết Nhân quả, Nghiệp báo để tường tận những quy luật chi phối chúng ta trong tư duy, lời nói, hành động mang tính chất của nhân nào sẽ trả về cho chúng ta những “quả” nào. Với nhận thức rõ về nhân quả, chúng ta sẽ hiểu rõ nguyên nhân sâu xa chúng ta đang gây tạo nhân gì trong quá khứ để ngày nay chúng ta phải “gặt lấy” những “tam tai, bát nạn” hay phúc lạc đời này; và hiện tại cần “trồng” những loại quả nào trong tương lai.
    4. Chúng ta nên thường xuyên sám hối lỗi xưa, tu tập, học Phật, làm những điều tốt đẹp, tử tế để vun bồi cho cuộc sống mai sau, đồng thời cũng tạo sự lan tỏa đến người thân, bạn bè và cộng đồng. Mỗi người góp phần bằng những tư tưởng, hành động tốt đẹp sẽ tạo ra một cộng đồng tốt đẹp và một xã hội văn minh, tiến bộ.
    5. Những tai ương, hoạn nạn có xảy ra trong cuộc đời ta cũng chỉ là những món nợ cũ cần phải thanh toán sòng phẳng, quan trọng là không gây thêm “ món nợ” mới, thì chắc chắn tương lai của chúng ta sẽ hoàn mỹ như mong muốn mà không cần phải cúng sao, giải hạn, cúng tam tai gì cả. Làm như thế cũng có nghĩa là ta góp phần làm trong sáng văn hóa Phật giáo vốn bị những chùm gởi tà kiến bám vào từ lâu đời. Đồng thời qua đó ta cũng làm trong sáng những thuần phong mỹ tục của dân tộc nước nhà.

     

    Ban Văn hóa Phật giáo huyện Bình Chánh

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline