Đoàn đại biểu Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh dâng hương tại chùa Tam Chúc cầu nguyện quốc thái dân an

Ngày đăng: 16/08/2023 03:25 PM

    Chiều nay 15/8, nhằm ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc, nguyện cầu mưa thuận gió hòa, thế giới hòa bình, nhân dân muôn nơi được an lạc, nhân dịp lễ Quốc khánh ngày 2/9, đoàn đại biểu nhân sĩ, trí thức, chức sắc chức việc tôn giáo, dân tộc do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tục hành trình đến thăm chùa Tam Chúc, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Tại đây, đoàn dâng hương cầu nguyện quốc thái dân an tại điện Tam Thế, cầu cho cuộc sống ấm no, nhân dân an lạc, thế giới hòa bình, quốc gia hưng thịnh.

    Đoàn đại biểu thăm chùa Tam Chúc

    Thượng toạ Thích Minh Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Phó Trụ trì chùa Tam Chúc chia sẻ cảm xúc vui mừng được đón đoàn về thăm và chiêm bái lễ Phật. Thượng tọa cho biết: Chùa Tam Chúc được xây dựng cách đây hơn 20 năm, có tổng diện tích bao gồm khu tâm linh, khu mặt hồ nước và khu rừng nguyên sinh là 5.100 hecta. Nơi này trước đây là trại Ba Sao, trại phong, trại cai nghiện. Cách đây hơn 20 năm, Chính phủ đã cho phép di dời khu trại giam Ba Sao để tu bổ, phục hưng và xây dựng lại ngôi chùa Tam Chúc. Chùa Tam Chúc cách đây hàng ngàn năm gắn liền với sự nghiệp hoàng pháp, lợi sinh của Quốc sư Nguyễn Minh Không thời Nhà Lý. Đến năm 2003 đã được xây dựng và lúc đó là nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã động thổ xây dựng ngôi chính điện Tam Thế. Vào năm 2019 Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc lần thứ 16 được diễn ra tại đây với 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Đại lễ Vesak. Chùa Tam Chúc cũng là nơi thờ các vị Sư Tổ Đạt Ma, thiền sư Nguyễn Minh Không, thiền sư Khuông Việt, thiền sư Đỗ Pháp Thuận, hòa thượng Thích Thanh Tứ… Đây đều là các vị quốc sư có công lớn trong công cuộc phát triển nền Phật giáo tại nước ta. 

    Thượng toạ Thích Minh Quang cho hay: “Ngôi chùa Tam Chúc thực hiện năm nhiệm vụ cốt lõi, đó là bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống cha ông để lại, phục vụ nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của bà con nhân dân, tín đồ Phật tử thập phương xa gần, khuyến hóa quần chúng nhân dân sống tốt đời đẹp đạo, hướng thiện, công tác đối ngoại (ngoại giao nhân dân, ngoại giao văn hoá, ngoại giao quốc tế); phát triển du lịch gắn liền với bảo vệ môi trường”. 

     

    Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh trao đổi với Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP.Hồ Chí Minh Trần Kim Yến

    Đến tham quan chùa Tam Chúc, Thượng tọa Thích Quang Thạnh, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.Hồ Chí Minh chia sẻ - Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã tạo cơ hội rất tốt để cho các vị nhân sĩ, trí thức và các chức sắc, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn Thành phố có một chuyến đi, hành trình kết nối ý nghĩa. Qua đó, tạo cơ hội cho các tôn giáo mỗi khi đi tham quan và ngồi ăn chung với nhau, cùng trò chuyện, để hiểu nhau hơn. Đó là cái kết nối tốt nhất. Bên cạnh đó, giúp các tôn giáo hiểu và nhớ về nguồn cội đất tổ của mình để ngày hôm nay các thế hệ con cháu lại cùng nhau đoàn kết tạo thành sức mạnh để phát triển TP. Hồ Chí Minh ngày càng văn minh, hiện đại: “Đến Tam Chúc có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả các tôn giáo. Bởi vì cái chữ kết nối đó được thể hiện trong khối đại đoàn kết, trong ngôi nhà của Mặt trận Thành phố. Kết nối từ tư tưởng là phải phù hợp trong mái nhà chung, phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân, kết nối về tinh thần đoàn kết, kết nối về những quan điểm của mỗi tôn giáo, hình thành ra một cái phương pháp tốt nhất để giúp cho Thành phố chúng ta ngày càng phát triển, phồn vinh và đi đầu trong cả nước. Từ những cái tôn giáo riêng mà chúng ta có thể ngồi với nhau, đi với nhau để trò chuyện với nhau, học hỏi lẫn nhau. Đây là điều rất có ý nghĩa rất tốt mà Mặt trận đã làm được mà muốn được như vậy thì mình phải có cái sự thông cảm, hiểu biết nhau”.

    Trước kỳ quan hùng vĩ của cảnh quan nơi đây, Giáo sư Thượng Sang Thanh, Trưởng Ban đại diện Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh tại TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Chuyến đi này rất đặc biệt, nó để lại trong tôi một cái gì đó rất là ấn tượng. Thứ nhất là giữa các tôn giáo gần gũi, xích lại gần nhau hơn, tìm hiểu nhiều hơn, có sự cảm thông hơn trong cái khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các tôn giáo với nhau. Thứ hai là tham quan được các tất cả các thắng cảnh mình thấy đất nước chúng ta rất là đẹp,. Đồng thời qua những cái công trình thấy được công sức của Nhà nước, của tôn giáo, của nhân dân, đồng kết hợp để tạo nên những cảnh quan để lại, lưu giữ lại đó để làm một cái phong cảnh rất là thiên nhiên hùng vĩ và để lại cho con người đến và khi về còn lại một ấn tượng rất là đẹp”.

     

    Những hình ảnh đẹp về kết nối tôn giáo

    Chùa Tam Chúc, thuộc địa phận xã Ba Sao, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam, cách Hà Nội khoảng 70km. Đây được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới hiện nay, nằm trong quần thể khu du lịch Tam Chúc rộng lớn, thơ mộng. Tại đây, Mục sư Trần Thanh Truyện, Hội trưởng Giáo hội Cơ đốc Phục Lâm Việt Nam bày tỏ sự trân trọng đối với Mặt trận Thành phố đã có một chuyến đi ý nghĩa để cho tất cả các nhân sĩ trí thức và các đại biểu, các tôn giáo đến để thấy rằng quê hương của chúng ta còn rất nhiều điều mà chúng ta cần phải khám phá:
    “ Tôi không ngờ rằng có một tổ chức tôn giáo có tới 5.100 hecta đất và đã biến đổi vùng đất này - khu vực trước đây là trại Ba Sao giam giữ tù nhân và bây giờ trở thành một nơi rất bình yên, rất xinh đẹp, nơi mà rất nhiều du khách đến thăm quan và là nơi mà chữa lành về tâm linh cho rất nhiều người. Ở đây có non xanh nước biếc rồi những dãy núi nối tiếp với nhau và có một cái bàn tay con người rất khéo léo để mà cải tạo thiên nhiên”.

    Tác giả: Thu Duyên

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline