ẢNH HƯỞNG TỪ CUỘC TỰ THIÊU CỦA HOÀ THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC TRONG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM NĂM 1963

Ngày đăng: 18/05/2023 10:18 AM

    Ảnh hưởng từ cuộc tự thiêu
    của Hòa thượng Thích Quảng Đức
    trong phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam năm 1963
    Thích Pháp Như


    Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng không phải ai cũng biết về cuộc đời tu hành lặng lẽ mà đầy huyền thoại của vị Bồ tát này. Đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã thắp lên ngọn lửa từ bi thức tỉnh lòng người và là ngọn đuốc sang dẫn dắt bao Tăng Ni Phật tử trong cuộc tranh đấu đòi bình quyền tôn giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm.

    DẪN NHẬP

    Nếu có một ai đó có một ngày bước qua ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, trong thấy một bảo tháp phía trước Ủy ban Nhân dân quận 3, bạn có tự hỏi đó là tháp của một vị tu sĩ nào không? Xin thưa đó là tháp của một vị Bồ tát ạ. Mà trong thời hiện đại này làm gì có Bồ tát ở thế gian? Vậy mà có đấy bạn ạ. Vị Bồ tát ấy không phải như những vị Bồ tát ta gặp trong kinh điển hay phim ảnh mà là một vị Bồ tát giữa đời thường, là một con người như bao nhiêu con người bình thường khác nhưng là một nhà sư đã tự thiêu cho đạo pháp để đòi bình quyền tôn giáo trong Pháp nạn năm 1963 của chính quyền Ngô Đình Diệm. Điểm đặc biệt là Bồ tát đã để lại một Trái tim Bất diệt cho muôn đời sau về hạnh vô úy và lòng trắc ẩn mà nó kết tinh từ sự tu tập và tình thương vô bờ bến khi thấy chúng sinh ngập trong bể khổ.

    Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng không phải ai cũng biết về cuộc đời tu hành lặng lẽ mà đầy huyền thoại của vị Bồ tát này. Đó là Hòa thượng Thích Quảng Đức, người đã thắp lên ngọn lửa từ bi thức tỉnh lòng người và là ngọn đuốc sang dẫn dắt bao Tăng Ni Phật tử trong cuộc tranh đấu đòi bình quyền tôn giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm. Lịch sử vẫn là lịch sử, không ai có thể chối cãi được, ngoại trừ những kẻ ngoại đạo, đã và đang tìm mọi cách để vu cáo, xuyên tạc lịch sử hầu đánh lừa các thế hệ mai sau.[1] Chính vì vậy mà người viết đã chọn đề tài: “Ảnh hưởng từ cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức trong phong trào tranh đấu của Phật giáo Việt Nam năm 1963.”

    Sự hy sinh của Bồ tát không có bút mực nào để viết hết, không có lời văn nào để tả cho chính xác. Tuy nhiên, trong phạm vi của bài viết người viết chỉ đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến cuộc tự thiêu của Bồ tát và phản ứng của chính quyền Ngô Đình Diệm, cũng như dư luận truyền thông, chính trị trong và ngoài nước xung quanh vụ tự thiêu của Bồ tát. Bên cạnh đó còn đề cập đến những vụ tự thiêu của Tăng Ni và Phật tử đã noi gương Ngài xả thân hy sinh vì đạo pháp khi chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm Thông cáo chung sau khi đã ký kết. Để bảo tồn đạo pháp và dân tộc không biết bao nhiêu người tự thiêu, bao nhiêu người ngã xuống, bao nhiêu người bị cướp xác, bắt bớ, tù đày, đánh đập, khảo tra… từ đó mới thấy được tinh thần của họ đối với đạo pháp và dân tộc.

    NỘI DUNG

    1. TIỂU SỬ VÀ NGUYÊN NHÂN DẪN ĐẾN CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC

    1.1. Tiểu sử Hòa thượng Thích Quảng Đức

    Hòa thượng Thích Quảng Đức, thế danh Lâm Văn Tức, ông sinh năm 1897 tại làng Hội Khánh, huyện Vạn Ninhtỉnh Khánh Hòa, thuộc miền Trung Việt Nam, trong một gia đình có bảy anh chị em, thân phụ là Lâm Hữu Ứng và mẫu thân là Nguyễn Thị Nương.

    Năm lên bảy tuổi, cậu bé Lâm Văn Tuất được hòa thượng Như Đại Nghĩa Hoằng Thâm, vừa là thầy bổn sư, vừa là cậu ruột nhận làm con chính thức, nên lấy tên là Nguyễn Văn Khiết. Sau đó, ngài được cho xuất gia tu hành với pháp danh Thị Thủy, pháp tự Hạnh Pháp và pháp hiệu là Quảng Đức. Ngoài thiền sư Hoằng Thâm, Thích Quảng Đức còn tham học với thiền sư Thiện Tường và Phước Tường.

    Năm mười lăm tuổi Lâm Văn Tức thọ giới Sa Di, năm hai mươi tuổi thọ Tỳ Kheo giới lấy tên là Thích Quảng Đức. Thọ giới xong hòa thượng vào một ngọn núi ở Ninh Hòa phát nguyện tịnh tu ba năm.

    Sau quãng thời gian sống biệt lập, ông bắt đầu du hành khắp miền Trung để giảng pháp. Sau 2 năm ông trở lại nhập thất tại chùa Sắc Tứ Thiên gần thành phố Nha Trang.

    Năm 1932, ông được bổ nhiệm làm chức kiểm tăng tại chi hội Phật giáo Ninh Hòa, sau đó nhận nhiệm vụ kiểm tăng trong tỉnh Khánh Hòa. Lúc tu hành ở Khánh Hòa, ngài còn trẻ tuổi nhưng đã cống hiến rất nhiều cho Phật giáo địa phương.

    Trong suốt thời gian ở miền Trung Việt Nam, ông đã tiến hành kiến tạo và trùng tu 14 ngôi chùa. Các văn kiện còn lưu giữ ở những ngôi chùa vùng này đã kể lại câu chuyện chính Bồ tát Thích Quảng Đức là người đã xin phép và tổ chức thực hiện xây dựng, trùng tu nhiều ngôi chùa ở khu vực. Trong đó có ngôi chùa Thiên Lộc được xây dựng trên một ngọn núi ở Ninh Hòa mà ngài từng nhập thất tịnh tu trước đó. Và cũng tại ngôi chùa này, vào khoảng năm 1935-1936, ngài đã đúc hai chiếc chuông lớn vẫn còn đến ngày nay.

    Năm 1934, rời Khánh Hòa vào miền Nam để giáo hóa, ông cũng từng đến Campuchia hai năm để học hỏi và nghiên cứu kinh điển theo truyền thống Theravada. Cũng như ở miền Trung, hai mươi năm hành đạo ở miền Nam, ông đã khai sơn và trùng tu 17 ngôi chùa. Như vậy, ông đã có công xây dựng hoặc trùng tu tất cả 31 ngôi chùa. Các tài liệu cũ cho thấy tính cách Bồ tát Thích Quảng Đức rất ngăn nắp. Những việc quan trọng như xin phép xây dựng, trùng tu chùa, hoạt động quyên góp của phật tử đều được Bồ tát ghi chép lại rất cẩn thận. Chính những tài liệu này về sau đã giải mã hoạt động phật sự nhiều công đức trong giai đoạn đầu tu hành của ngài ở quê nhà.

     Ngôi chùa cuối cùng nơi ông trụ trì là chùa Quan Thế Âm, trước đây là đường Nguyễn Huệ, quận Phú Nhuận, Gia Định, nay con đường này đã đổi thành chính tên của ông là Thích Quảng Đức. Đây là một ngôi chùa được người dân địa phương lập từ năm 1920 để thờ Quan Thế Âm Bồ tát. Ngoài tên Quán Thế Âm tự, chùa còn được quen gọi là chùa Bạch Lô và chịu cảnh tiêu điều, lạnh lẽo hương khói trong những năm tháng nửa đầu thế kỷ 20 đầy biến động của đất nước.

    Năm 1959, bước chân hoằng hóa của Bồ tát Thích Quảng Đức đã có duyên dừng chân lại ngôi chùa Quán Thế Âm. Và ngài đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, công sức sửa chữa lại chùa cho đến khi xảy ra sự đàn áp Phật giáo ngày càng nặng nề của chính quyền Ngô Đình Diệm. Ông đã từng giữ chức vụ Phó trị sự và Trưởng ban nghi lễ của Giáo hội Tăng già Nam Việt trong một thời gian khá lâu. Trước đó, ông có lúc đã nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Phước Hòa, trụ sở đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt. Khi trụ sở này đời về chùa Xá Lợi, ông xin thôi việc để có đủ thời gian an tâm tu niệm.[2]

    Ông mất ngày 11 tháng 6 năm 1963, trong một cuộc tự thiêu tại ngã tư đại lộ Phan Đình Phùng và phố Lê Văn Duyệt ở Sài Gòn (nay là ngã tư Nguyễn Đình Chiểu và Cách Mạng Tháng Tám) để phản đối chế độ độc tài của Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo. Cuộc tự thiêu của ông đã là một ngọn lửa thiêng un đúc tinh thần yêu tự do hòa bình dân tộc và bình đẳng tôn giáo.

    1.2. Nguyên nhân dẫn đến cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức

    Đạo Phật đã in sâu vào lòng dân tộc từ khi mới du nhập vào Việt Nam. Vào thời điểm năm 1963, khoảng 70-90% dân số nước ta theo đạo Phật, trong khi Tổng thống Ngô Đình Diệm lại là con chiên của Công giáo, chính quyền đã theo đuổi những chính sách mà các nhà sử học cho là rất thiên vị. Cụ thể, chính phủ Việt Nam Cộng hoà đã thiên vị Công giáo về các mặt dịch vụ công cộng cùng với các vị trí trong quân đội cũng như cắt đất, sắp đặt thương mại và giảm thuế. Một lần, Tổng thống Diệm đã nói với một quan chức cấp cao của mình mà quên mất rằng ông ta theo đạo Phật: "Hãy đặt những cấp dưới theo đạo vào các vị trí nhạy cảm. Họ có thể tin được". Nhiều sĩ quan trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã cải sang đạo Thiên Chúa vì nghĩ rằng viễn cảnh quân đội sẽ phụ thuộc vào tôn giáo này. Thêm vào đó, vũ khí dành cho lực lượng dân quân trong ấp chiến lược chống cộng thì chỉ được phát cho những người theo đạo Chúa. Một số cha xứ thậm chí còn có quyền chỉ huy quân đội riêng của mình, và đã có những cưỡng bức cải đạo cũng như cướp bóc và tấn công chùa chiền tại một số khu vực trong khi chính phủ cố tình làm ngơ. Một số ngôi làng mà phần đông dân cư theo Phật giáo phải cải đạo hoặc bị cưỡng ép tái định cư. "Tình trạng riêng" được áp đặt đối với Phật giáo từ thời Pháp cai trị, vốn bắt buộc phải có sự cho phép chính thức từ chính quyền mới được tổ chức các hoạt động Phật giáo nơi công cộng, nay vẫn không được Tổng thống Diệm bãi bỏ. Giáo dân trên thực tế là những người được miễn thuế (mặc dù không chính thức) và họ được nhận phần lớn viện trợ từ đồng minh Hoa KỳNhà thờ là những địa chủ lớn nhất cả nước và đất đai sở hữu bởi nhà thờ cũng được miễn thuế. Lá cờ vàng-trắng của Vatican được treo ở công cộng trong suốt các sự kiện lớn ở miền Nam Việt Nam. Năm 1959, Tổng thống Diệm cung hiến đất nước mình cho Đức mẹ Maria với niềm tôn kính Đức mẹ.

    Vụ khủng hoảng chính trị ở Miền Nam Việt Nam bắt nguồn từ lệnh cấm treo cờ Phật Giáo nhân mùa Phật Đản, Phật lịch năm 2507 (ngày 8–5-1963) của chính phủ Ngô Đình Diệm. Trong khi chỉ vài ngày trước đó, giáo dân Thiên Chúa giáo được cho phép treo cờ Vatican trong một buổi lễ tấn phong Tổng giám mục xứ Huế của Ngô Đình Thục, anh trai Ngô Đình Diệm. Ông Ngô Đình Thục, nuôi tham vọng được thăng chức Hồng Y, ra lệnh cho chính quyền địa phương cấm Phật tử treo cờ Phật giáo trong dịp lễ Phật Đản. (Hành động này tương tự như một vị Hoà Thượng áp lực chính quyền cấm giáo dân đạo Thiên chúa treo cờ Vatican trong dip lễ mừng Chúa Giáng Sinh). Các Tăng Ni, Phật tử cảm thấy bị nhục mạ, tìm cách chống đối, kể cả Tướng Lê Văn Nghiêm, Tư lệnh Quân đòan I. Đúng ngày Phật Đản, Thượng tọa Thích Trí Quang đọc diễn văn tại chùa Từ Đàm, với sự hiện diện của khá đầy đủ các viên chức chính quyền và quân sự, đòi hỏi bình quyền tôn giáo. Tối đó, một đám đông Phật tử Huế phản đối lệnh cấm, bất chấp chính phủ bằng việc diễu hành ngoài trụ sở đài phát thanh với cờ Phật giáo trên tay, để yêu cầu phát lại bài diễn văn của Thầy Trí Quang và kêu gọi bình đẳng. Các lực lượng chính quyền đã phóng hỏa vào đám đông biểu tình. Kết quả cuộc tàn sát công khai đầu tiên và ghê rợn này là thấy 7 người chết ngay tại chỗ và 15 người bị thương được ba xe hồng thập tự chở về điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế. Một người nữa qua đời tại phòng cấp cứu. Trong số tám người chết, có hai em học sinh bị xe bọc thép cán mất nửa đầu, một em bị cán mất một phần đầu không nhận diện được và một em bị mất hẳn đầu.[3] Tuy nhiên trong sách “Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam” của tác giả Quốc Tuệ thì nói có chín người chết và mười bốn người bị thương nhưng chỉ ghi danh sách tám người bị chết, sau này được Tăng Ni và Phật tử tôn xưng là Thánh Tử Đạo.[4] Pháp danh và thế danh của tám vị Thánh là:

     1. Tâm Đồng – Đặng Văn Công: 13 tuổi

     2. Tâm Thành – Dương Viết Đạt: 13 tuổi

     3. Tâm Thanh – Nguyễn Thị Yến: 20 tuổi

     4. Tâm Thông – Nguyễn Thị Phúc: 15 tuổi

     5. Tâm Hiển – Lê Thị Kim Anh: 17 tuổi

     6. Tâm Thuận – Trần Thị Phước Trị: 17 tuổi

     7. Tâm Chánh – Nguyễn Thị Ngọc Lan: 12 tuổi

     8. Tâm Tôn – Huyền Tôn Nữ Tuyết Hoa: 12 tuổi

    Lệnh cấm treo cờ Phật Giáo nhân dịp Phật Đản là một sai lầm vô cùng nghiêm trọng và đây là một ngọn lửa đưa vào thùng thuốc súng để có dịp bùng nổ, sau bao nhiêu năm vẫn âm thầm âm ỷ, mà chưa có dịp bộc phát. Sau này, chính phủ Ngô Đình Diệm và cá nhân ông Nhu tìm cách che đậy sai lầm của họ bằng cách ngụy biện ràng ông Diệm chỉ cho lệnh cấm treo cờ nơi công cộng, và phải treo cờ tôn giáo cùng với quốc kỳ Việt Nam Cộng Hoà, tức cờ vàng ba sọc đỏ tại các chùa chiền. Sai lầm hơn nữa, Tổng thống Diệm đã từ chối nhận trách nhiệm về thương vong và đổ lỗi cho "Việt Cộng" khiến cho sự phản kháng càng dữ dội. Không hiểu tại sao anh em ông Diệm và thuộc hạ có thể thản nhiên, lì lợm chụp cái mũ cộng sản cho những người tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo. Vì Diệm vẫn miễn cưỡng chấp nhận 5 yêu sách của Phật tử nên tình hình càng ngày càng căng thẳng. Bản yêu sách gồm các điểm:

    1. Chính phủ bỏ lệnh cấm treo cờ Phật giáo

    2. Được tự do hành đạo như Công giáo

    3. Xem xét lại dụ số 10 để không coi tôn giáo như một hiệp hội

    4. Chấm dứt khủng bố đàn áp Phật giáo

    5. Bồi thường cho các nạn nhân vụ đài phát thanh Huế và trừng trị kẻ gây đổ máu.

    Chính quyền Kennedy đã vội chỉ thị cho Truehart phải dùng mọi áp lực để khuyến cáo chính quyền Ngô Đình Diệm phải ngừng đàn áp Phật Giáo và phải công khai giải quyết các đòi hỏi của Phật Giáo. Do đó ngày 5/6/1963, Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ được lệnh tiếp xúc với phía Phật Giáo.

    Tại Sài Gòn lúc đó trụ sở chính của ủy ban Liên Phái Phật Giáo vẫn đặt tại chùa Xá Lợi, nhưng quí ngài lãnh đạo Phật giáo trong cuộc tranh đấu, thường xuyên di chuyển địa điểm họp mật để đặt kế hoạch đấu tranh. Đến ngày 9 tháng 6 năm 1963, xuyên qua những lần thảo luận giữa ủy ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và Ủy ban Liên Bộ của chính quyền Ngô Đình Diệm không đi đến thỏa thuận. Trái lại chính quyền Diệm vẫn gia tăng các cuộc khủng bố, đàn áp Tăng, Ni và Phật Tử. Trong tình hình đó nếu cứ kéo dài các cuộc đấu tranh bình thường như từ trước đến nay thì dần dần sẽ bị tan rã vì thiếu hình thức khác lạ để có thể gây xúc động lương tâm con người. Nên quí ngài lãnh đạo Liên Phái Phật Giáo lúc đó phải chấp nhận hạnh nguyện xin được tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Đức.

    2. CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC VÀ PHẢN ỨNG CỦA CHÍNH QUYỀN NGÔ ĐÌNH DIỆM

    2.1. Hòa thượng Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân

    Ngày 10 tháng 6, phát ngôn viên của giới Phật tử tiết lộ cho các nhà báo Mỹ biết rằng "một cái gì đó quan trọng" sẽ xảy ra sáng hôm sau bên ngoài đại sứ quán Campuchia ở Sài Gòn. Phần lớn phóng viên đều không đếm xỉa đến lời nhắn và ngày hôm sau, rất ít nhà báo xuất hiện. Trong số đó có David Halberstam của tờ New York Times và Malcolm Browne, lúc đó đang làm trưởng đại diện hãng thông tấn AP tại Sài Gòn.

    Ngày 11 tháng 6 năm 1963 (nhằm ngày 20 tháng 4 năm Quí Mão), tại ngã tư Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt Sài Gòn, - (nay là đường Cách Mạng Tháng Tám và Nguyễn Đình Chiểu TP HCM)- , Hòa thượng Thích Quảng Đức xuất hiện trong một đám diễu hành bắt đầu từ một ngôi chùa gần đó. Khoảng 350 Tăng Ni dẫn đầu bởi một chiếc Austin Westminster chia làm hai nhánh giương cao khẩu hiệu bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Họ lên án chính quyền Ngô Đình Diệm vì chính sách kỳ thị Phật giáo và đòi bình đẳng tôn giáo.

    Thích Quảng Đức đi ra từ chiếc ô tô cùng với hai nhà sư khác. Một người đặt một tấm nệm xuống đường còn người kia mở cabin xe và lấy ra một bình xăng dung tích 5 gallon. Vì đoàn diễu hành đang tạo thành nhiều lớp vòng tròn xung quanh mình, Thích Quảng Đức bình tĩnh ngồi thiền trên tấm đệm. Hai nhà sư cùng đi bắt đầu trút xăng lên đầu ông. Thích Quảng Đức lần tràng hạt và bắt đầu niệm: "Nam Mô A Di Đà Phật" trước khi tự tay châm lửa bằng diêm. Lửa nhanh chóng thiêu rụi áo cà sa và da thịt của vị hòa thượng, khói đen bốc lên từ cơ thể đang cháy bùng của ông.

    Trước khi tự thiêu Hòa thượng Thích Quảng Đức đã để lại lời tâm nguyện: “Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, Hòa thượng trụ trì Chùa Quán Âm Phú Nhuận (Gia Định).
    Nhận thấy Phật giáo nước nhà đương lúc ngửa nghiêng, tôi là một tu sĩ mệnh danh là trưởng tử của Như Lai không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật Pháp tiêu vong, nên tôi vui lòng phát nguyện thiêu thân giả tạm này cúng dường chư Phật để hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mong ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành chí nguyện như sau:

    1. Mong ơn Phật Tổ gia hộ cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm sáng suốt chấp nhận năm nguyện vọng tối thiểu của Phật giáo Việt Nam ghi trong bản tuyên ngôn.

    2. Nhờ ơn Phật từ bi gia hộ cho Phật giáo Việt Nam được trường cửu bất diệt.

    3. Mong nhờ hồng ân chư Phật gia hộ cho chư Đại đức Tăng Ni, Phật tử Việt Nam tránh khỏi tai nạn khủng bố bắt bớ giam cầm của kẻ gian ác.

    4. Cầu nguyện cho đất nước thanh bình, quốc dân an lạc.

    Trước khi nhắm mắt về cảnh Phật, tôi trân trọng kính gởi lời cho Tổng thống Ngô Đình Diệm nên lấy lòng bác ái từ bi đối với quốc dân và thi hành chánh sách bình đẳng tôn giáo để giữ vững nước nhà muôn thủa.

    Tôi tha thiết kêu gọi chư Đại đức Tăng Ni và Phật tử nên đoàn kết nhất trí hy sinh để bảo tồn Phật giáo.

    Nam Mô Đấu Chiến Thắng Phật

    Làm tại chùa Ấn Quang, ngày mùng 8 tháng 4 nhuần năm Quý Mão

    Tỳ kheo Thích Quảng Đức

    Kính bạch

    Phóng viên David Halberstam viết trên tờ New York Times: “I was to see that sight again, but once was enough. Flames were coming from a human being; his body was slowly withering and shriveling up, his head blackening and charring. In the air was the smell of burning human flesh; human beings burn surprisingly quickly. Behind me I could hear the sobbing of the Vietnamese who were now gathering. I was too shocked to cry, too confused to take notes or ask questions, too bewildered to even think.... As he burned he never moved a muscle, never uttered a sound, his outward composure in sharp contrast to the wailing people around him.’’

    Tạm dịch: Tôi lại thấy cảnh đó thêm lần nữa, nhưng một lần là đủ lắm rồi. Ngọn lửa phun ra từ một con người; thân thể ông cháy héo khô dần và teo nhăn lại, đầu của ông đen dần và hóa than. Trong không khí thoảng mùi cháy khét của thịt người; loài người có thể cháy nhanh một cách đáng ngạc nhiên. Từ phía sau tôi có thể nghe tiếng thổn thức của những người Việt giờ đang tụ tập. Tôi đã quá sốc để khóc, quá bối rối để ghi chép hay đặt câu hỏi, quá ngỡ ngàng để cả suy nghĩ ... Khi cháy, ông ấy không hề cử động một cơ bắp nào, không hề bật ra một âm thanh nào, sự điềm tĩnh của ông thật trái ngược với cảnh những người đang rền rĩ khóc than xung quanh

    Các phóng viên ngoại quốc đứng gần, xa và trên các tòa nhà cao tầng để chứng kiến và thực hiện các phóng sự rồi tìm cách lén lút đưa ra nước ngoài phổ biến .Lực lương an ninh của Diệm được điều động đến để trấn áp và phá hoại cuộc tự thiêu nhưng đều thất bại, vì các Tăng, Ni và Phật tử quyết bảo vệ bằng cách bao vây thành nhiều vòng trong tiếng niệm Phật ngân vang cả một bầu trời, có người nằm ngăn cản trước bánh xe cứu hỏa, xe tăng của lực lượng cảnh sát, Một cảnh sát phi mình vào và phủ phục trước hòa thượng nhằm tỏ lòng kính trọng. Những người chứng kiến phần lớn sửng sốt trong yên lặng, số khác thì khóc thét và bắt đầu cầu nguyện. Nhiều Tăng Ni cũng như người qua đường vì quá bàng hoàng đã quỳ lạy trước vị hòa thượng đang cháy bừng. Một nhà sư tuyên bố nhiều lần qua một micrô bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt: "Một nhà sư đã tự thiêu. Một nhà sư đã trở thành con người tử vì đạo".

    Chừng 10 phút sau thì lửa tàn, Ngài bật ngữa ra, tay vẫn co trước ngực. Sau này có người kể lại đêm trước tự thiêu, bồ tát dặn dò rằng nếu tâm nguyện vị pháp thiêu thân và hòa bình cho dân tộc của ngài được Phật tổ chứng giám, ngài sẽ về cõi Phật trong tư thế nằm ngửa và nguyện để lại một trái tim xá lợi. Phải chăng tâm nguyện của ngài đã linh ứng?

    Khi ngọn lửa tự thiêu tắt hẳn, hòa thượng Thích Đức Nghiệp (lúc này là Đại đức Thích Đức Nghiệp) và đồng đạo lấy cờ Phật quấn thi hài Bồ tát Thích Quảng Đức. Tuy nhiên, lá cờ không thể bọc kín ngài được vì ngài ra đi trong tư thế tay chắp trước ngực, hai chân vẫn hơi co lại như đang ngồi thiền. Lúc này, tiếng khóc của các Tăng Ni và dân chúng át cả tiếng ồn ào, la hét của lực lượng cảnh sát. Đám rước thi hài ngài về chùa Xá Lợi đã kéo theo một đoàn Tăng Ni, Phật tử và dân chúng dài hàng cây số. Họ tiễn đưa một Bồ tát đã cung hiến thân mình cho đạo pháp và hòa bình dân tộc. Sau lễ nhập kim quan, hàng ngàn Tăng, Ni và Phật Tử ngày đêm tụ tập về chùa Xá Lợi để cầu nguyện và canh phòng chính quyền Diệm cướp mất thi hài của Ngài.

    Lúc 13:30, khoảng 1000 Tăng Ni tập trung trong chùa để họp trong khi bên ngoài, đám đông sinh viên ủng hộ Phật giáo tập trung giương biểu ngữ: "Một hòa thượng đã tự thiêu vì 5 yêu cầu của chúng tôi" và dàn thành hàng rào xung quanh ngôi chùa. Cuộc họp nhanh chóng kết thúc và các nhà sư quay trở lại ngã tư nơi Thích Quảng Đức tự thiêu.

    Buổi chiều cùng ngày, chính quyền Diệm ra lệnh phong tỏa các chùa, nhất là chùa Xá Lợi, nơi quàng nhục thân cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức. Khắp các nẻo đường dẫn về Chùa Xá Lợi, cảnh sát được điều động đến để ngăn chặn làn sóng người đang đổ dồn về chùa Xá Lợi. Khoảng 18:30, 30 Ni cô và 6 nhà sư đã bị bắt vì tội tổ chức cầu nguyện trên phố bên ngoài chùa Xá Lợi. Cảnh sát lúc đó đã bao vây ngôi chùa và chặn đứng sự tiếp xúc với bên ngoài. Những người chứng kiến cảm thấy rằng một cuộc đàn áp vũ trang sắp xảy ra. Chiều ngày hôm đó, hàng nghìn người dân Sài Gòn khẳng định rằng họ đã thấy ảo cảnh trên trời như khuôn mặt Đức Phật. Họ cho rằng Phật tổ đang nhỏ lệ.

    2.2. Phản ứng của chính quyền Ngô Đình Diệm sau khi Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu

    Lúc 19 giờ cùng ngày Thích Quảng Đức tự thiêu, Tổng thống Ngô Đình Diệm đọc một bài diễn văn trên sóng phát thanh rằng ông "hết sức lo ngại" về vụ việc và khẩn khoản kêu gọi "đồng bào bình tâm". Ông cũng thông báo rằng tiến trình đàm phán đang tiến triển tốt. Ông Diệm cho biết chính tình hình tôn giáo căng thẳng như thế này đã làm nổi bật vai trò của thuyết nhân cách trong Thiên chúa giáo đối với các luật lệ của ông. Ngô Đình Diệm còn cho rằng những người có tư tưởng cực đoan đã bóp méo sự thật và khẳng định rằng các Phật tử có thể: "tin tưởng vào Hiến pháp, hay nói cách khác là tin tưởng ở tôi".

    Quân lực Việt Nam Cộng hòa hưởng ứng lời kêu gọi của tổng thống, bày tỏ sự đoàn kết với nhau đằng sau Ngô Đình Diệm để cô lập các sĩ quan chống đối. 30 quan chức cấp cao đứng đầu bởi tướng Lê Văn Tỵ đã khẳng định quyết tâm thực thi mọi nhiệm vụ giao phó cho quân đội để bảo vệ hiến pháp và nền cộng hòa. Bản tuyên bố thực ra là vỏ bọc che đậy cho kế hoạch lật đổ Ngô Đình Diệm. Một số người tham gia ký kết về sau có dính líu trực tiếp tới cuộc đảo chính và ám sát Diệm tháng 11 năm đó. Các tướng Dương Văn Minh và Trần Văn Đôn, cố vấn quân sự của tổng thống và là người sẽ lãnh đạo cuộc lật đổ, lúc đó đang ở nước ngoài và không phải tham gia màn kịch ký kết.

    Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu và em dâu tổng thống, lúc đó được mệnh danh là Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng hòa vì tổng thống sống độc thân, đã phát biểu: "Tôi sẽ vỗ tay khi thấy một vụ nướng sư khác" (I would clap hands at seeing another monk barbecue show) và "nếu ai thiếu xăng dầu tôi sẽ cho". Trả lời phỏng vấn của ký giả tờ New York Times, Trần Lệ Xuân nói: "Tôi còn thách mấy ông sư thêm mười lần nữa. Phương pháp giải quyết vấn đề Phật giáo là phớt lờ, không cần biết tới". Những phát biểu thiếu cân nhắc và quá khích của bà như rót thêm nước sôi vào tình hình căng thẳng lúc đó. Cuối tháng 6, chính phủ Ngô Đình Diệm cáo buộc rằng Thích Quảng Đức đã bị chích thuốc trước khi bị ép tự vẫn. Chính quyền cũng buộc tội Browne đã hối lộ nhà sư để ông tự thiêu.

    3. NHỮNG ẢNH HƯỞNG TỪ CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC

    3.1. Cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đưa đến việc ký kết Thông cáo chung vào ngày 16-6-1963

    Sau vụ Thích Quảng Đức tự thiêu, phía Hoa Kỳ gia tăng sức ép buộc Việt Nam Cộng hòa tiếp tục thương lượng và hòa giải với phía Phật giáo. Lúc 11:30 ngày 11 tháng 6, Tổng thống Diệm triệu tập nội các để họp khẩn cấp bàn về vấn đề khủng hoảng Phật giáo. Thế nhưng sau cái chết của Thích Quảng Đức, ông đã hủy cuộc họp và gặp riêng với các bộ trưởng của mình. Đại sứ Mỹ William Trueheart đã cảnh báo Nguyễn Đình Thuận, thư ký của Diệm, rằng tình hình hiện rất nhạy cảm và đặt hy vọng tổng thống sẽ sớm đáp ứng những yêu sách của giới Phật tử. Tại Mỹ, ngoại trưởng Dean Rusk cũng cảnh báo đại sứ quán Sài Gòn rằng Nhà Trắng sẽ công khai công bố bản yêu sách đó "tự nó sẽ không liên quan" gì đến chính quyền nếu sự việc đã không xảy ra.

    Ngày 14/6 chính quyền và Phật Giáo chính thức họp ở hội trường Diên Hồng và hai ngày sau tức ngày 16/6 thông cáo chung về năm nguyện vọng của Phật Giáo đã được hai bên cùng ký kết. Ngày 17 tháng 6 Phật giáo ra thông cáo tuyên bố đời sống mọi sinh hoạt trở lại bình thường và thành tâm cầu nguyện cho 5 nguyện vọng thông cáo chung được thi hành nghiêm chỉnh.

    3.2. Lưu lại “Trái Tim Bất Diệt” tạo nên lòng tin lớn cho Phật giáo đồ

    Ngày 15 tháng 6 được chọn làm ngày tổ chức lễ tang cho Thích Quảng Đức nhưng buổi lễ lại bị hoãn. Tang lễ Bồ tát Thích Quảng Đức ở chùa Xá Lợi trở thành một sự kiện trọng đại của Sài Gòn lúc bấy giờ. Tăng Ni, Phật tử và dân chúng ở các địa phương nghe tin đã nhanh chóng về Sài Gòn để thắp hương tiễn biệt ngài lần cuối. Lượng người đổ về chùa Xá Lợi càng lúc càng đông hơn 4000 người, khiến lực lượng cảnh sát, mật vụ chính quyền Ngô Đình Diệm phải ra sức ngăn chặn nhằm giảm thiểu ý nghĩa linh thiêng và quy mô của tang lễ. Họ vây chặt vòng ngoài, thậm chí một số đối tượng giả dạng thương binh còn đến quấy rối, đe dọa Tăng Ni, Phật tử ...

    Đến ngày 20 tháng 6 năm 1963. Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo và nhiều Tăng, Ni, Phật tử đưa nhục thân Ngài đi hỏa táng tại An Dưỡng địa Phú Lâm cách trung tâm thành phố 16km (khoảng 10 dặm). Theo như bản Thông cáo chung vừa được ký kết trước đó vài ngày trong đó có sự đồng thuận giữa các chức sắc Phật giáo và cảnh sát thì số người tham dự lễ tang được giới hạn khoảng 400 người.

    Sau 24 tiếng đồng hồ đốt trong lò với sức nóng 4000oC, Kim quan và nhục thân Ngài đã biến thành tro bụi, nhưng một kỳ tích ngoài tưởng tượng của mọi người, đó là quả tim của Ngài vẫn còn nguyên vẹn, lúc đầu ở trạng thái mềm và său dần dần cứng như sắt. Đúng như tâm nguyện của Ngài trước Tam Bảo khi phát nguyện tự thiêu “Xin thân này làm đuốc cảnh tỉnh chế độ Ngô Đình Diệm và xin cho trái tim này được tồn tại mãi”. Về sau quả tim này được đặt trên một cốc rượu lễ bằng thủy tinh tại chùa Xá Lợi. Giới Phật tử coi đây là một điều thiêng, một biểu tượng của lòng trắc ẩn và suy tôn ông thành một vị Bồ tát.

     Thượng Tọa Thích Thông Bửu Trụ Trì Chùa Quan Thế Âm là nơi Hòa Thượng Thích Quảng Đức trú sứ, và Thầy Thông Bữu cũng là trưởng tử của HT Thích Quảng Đức đã nói chuyện lại rằng : …. . .Sau đó Tăng, Ni đã đem hài cốt và Trái Tim Bất Diệt của Hòa thượng về Chùa Xá Lợi….. .Khi biết được trái tim không cháy, chính quyền Ngô Đình Diệm luôn gây sức ép căng thẳng với Phật Giáo lúc bấy giờ đều nhằm mục đích chiếm đoạt lại hoặc phá hủy “Trái Tim Bất Diệt “ này. Ủy ban Liên Phái Phật Giáo biết được ý đồ đó đã họp và quyết định thay thế trái tim thật thành trái tim giả.

    Ngày 28 tháng 6 năm 1963, Chính quyền Diệm mở một cuộc tấn công và đàn áp vào chùa Xá Lợi để chiếm đoạt trái tim. Cảnh sát mật định cướp bình đựng tro của Thích Quảng Đức. Tuy nhiên lính của ông Nhu cũng đã lấy được trái tim xá lợi. Trái tim mà lực lượng quốc gia lấy được khi đó, có người cho là trái tim giả, còn trái tim thật đã được niêm phong cất vào tủ sắt và bí mật cất vào một ngân hàng lưu giữ.

    3.3. Ảnh hưởng từ cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng đối với chính trị - truyền thông trong và ngoài nước

    Những bức ảnh của Browne chụp cảnh tự thiêu nhanh chóng truyền đi bằng các phương tiện điện tín và lên trang nhất của nhiều tờ báo khắp thế giới. Việc một hòa thượng tự thiêu tại một đất nước mà phần đông dân số theo đạo Phật đã được ghi nhận là bước ngoặt trong cuộc khủng hoảng Phật giáo và dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Ngô Đình Diệm. Mặc dù sự suy yếu của chính phủ bắt đầu lộ rõ từ trước nhưng vụ việc vẫn được coi là bước then chốt trong tình hình hỗn loạn lúc bấy giờ. Nhà sử học Seth Jacobs khẳng định Thích Quảng Đức đã "đốt cuộc thử nghiệm Diệm của nước Mỹ ra tro" và "không có lời bào chữa nào có thể gỡ gạc lại được danh tiếng của Ngô Đình Diệm" một khi những bức ảnh của Browne đã hằn vào tâm trí của công chúng thế giới. Ellen Hammer mô tả rằng sự kiện đã gợi lên những hình ảnh đen tối về sự đàn áp và ghê rợn, tương ứng với một thực tại rất châu Á mà người phương Tây vốn không hiểu". William Colby, giám đốc CIA vùng Viễn Đông cho rằng Ngô Đình Diệm "đã xử trí cuộc khủng hoảng rất dở và đã để cho nó tiến triển. Nhưng thực sự tôi không nghĩ rằng có nhiều cơ hội để họ giải quyết vấn đề một khi đã có một thầy tu tự thiêu".

    Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy, người đứng đầu chính phủ đồng minh với Việt Nam Cộng hòa, biết được thông tin về vụ một nhà sư tự thiêu tại Nam Việt Nam khi đọc báo tin tức buổi sáng, trong khi ông đang ngồi trên giường và nói chuyện với em trai Robert F. Kennedy, viên chưởng lý Hoa Kỳ. Tổng thống đã cắt ngang cuộc đàm thoại về tình hình tại bang Alabama và thốt lên: "Lạy Chúa Giê-su!". Về sau ông nhận xét rằng "trong lịch sử không có một bức hình thời sự nào lại gây nên nhiều xúc cảm trên khắp thế giới như vậy". Thượng nghị sĩ Frank Church, thành viên Ủy ban Quan hệ Quốc tế, đã phát biểu: "Người ta chưa từng chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế này kể từ khi các vị thánh tử vì đạo dắt tay nhau vào đấu trường La Mã nộp mình".

    Tại châu Âu, bức ảnh được bày bán hàng loạt trên đường phố như những tấm bưu thiếp trong suốt thập niên 1960Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã in bức ảnh ra hàng triệu bản và phân phát khắp châu Á và châu Phi như một minh chứng về "chủ nghĩa đế quốc Mỹ". Một trong những tấm ảnh Browne chụp cảnh tượng kinh hoàng vẫn còn dán trên chiếc xe mà Thích Quảng Đức lái tới ngã tư nơi ông tự thiêu.

    Đối với Browne và hãng thông tấn AP, những bức ảnh là một thành công trong tiếp thị. Ray Herndon, nhà báo hãng thông tấn UPI (United Press International) đã quên không mang máy ảnh ngày hôm đó nên bỏ lỡ cơ hội chụp cảnh một hòa thượng tự thiêu, sau đã bị cấp trên la rầy. UPI ước lượng rằng có 5.000 độc giả ở Sydney, một thành phố lúc đó có khoảng 1,5 đến 2 triệu dân, đã chuyển sang lấy tin từ các nguồn của hãng AP. Về phía chính quyền Ngô Đình Diệm, tờ Times of Vietnam, cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh, đã gia tăng sự công kích đối với các nhà báo Mỹ và giới Phật tử. Những dòng tít kiểu như "Giới chức chùa Xá Lợi đưa ra lời hăm dọa mới" hay "Sư sãi âm mưu ám sát" xuất hiện trên mặt báo.

    Tấm ảnh đoạt giải của Browne đã được giới truyền thông đại chúng sử dụng lại trong nhiều thập niên. Năm 1992, ban nhạc rock Rage Against the Machine sử dụng một tấm ảnh làm bìa cho album và đĩa đơn đầu tay của họ. Trong tập 408 bộ phim hoạt hình South Park, "Chef Goes Nanners", nhân vật Chef đã dùng đến tấm ảnh tự thiêu của Browne trước khi đổ xăng và đốt cháy một nhà sư để phản kháng lại lá cờ phân biệt chủng tộc của thị trấn.

    Địa điểm được chọn làm nơi tự thiêu, trước cổng đại sứ quán Campuchia tại Sài Gòn, đã làm dấy lên những nghi vấn liệu đó chỉ là sự ngẫu nhiên hay còn có ý gì khác. Trueheart và nhân viên sứ quán cảm thấy rằng địa điểm này được chọn như để bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ Campuchia của Hoàng thân Norodom Sihanouk. Quan hệ giữa Việt Nam Cộng hòa và Campuchia lúc đó đang căng thẳng. Ngày 22 tháng 5, Sihanouk buộc tội Diệm đã bạc đãi người Việt và Phật tử thiểu số người Khmer. Tờ Thời báo Việt Nam cho in một bài viết số ra ngày 9 tháng 6 khẳng định rằng các nhà sư bên Campuchia đang đứng về phía Phật giáo để phản đối chính quyền. Tờ báo này cũng cho rằng đây là một phần trong kế hoạch của Campuchia nhằm mở rộng chính sách ngoại giao trung lập vào Nam Việt Nam. Floweree cho biết Tổng thống Diệm đang "háo hức và sẵn sàng trông bàn tay của Campuchia nhúng vào tất cả các hoạt động có tổ chức của Phật giáo".

    3.4. Ảnh hưởng từ việc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức đến các vụ tự thiêu của Tăng Ni Phật tử khi chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm Thông cáo chung

    Cái chết phi phàm của Bồ Tát Thích Quảng Đức đã làm chấn động dư luận khắp hoàn cầu. Báo chí thế giới đăng tin lên trang đầu cùng ảnh tự thiêu của Ngài. Việc Ngài tự thiêu, được đồng bào cả nước biết ngay chiều hôm đó, và đã gây xúc động sâu xa trong mọi tầng lớp, không phân biệt Tôn giáo. Sự hy sinh vì đạo của Ngài đã làm cho Ngô Đình Diệm vô cùng hoảng hốt và lo sợ, tìm mọi cách đối phó với Phật giáo.

    Đối việc thực hiện Thông cáo chung, phía chính quyền thì nhượng bộ nhưng phía gia đình trị và tôn giáo trị của ông Diệm không chấp nhận. Do đo, chưa đầy một tuần lễ sau là một chiến dịch do ông, bà Ngô Đình Nhu và ông Tổng giám mục Ngô Đình Thục đã tận dụng mọi phương tiện của nhà nước dùng các tổ chức Thanh Niên Cộng Hòa, Hội Phụ Nữ Liên Đới, trung tâm Nhân Vị Vĩnh Long, đảng Cần Lao, thương phế binh, Công An mật vụ………. Truyền thông báo chí thi nhau vu khống, mạ lỵ đàn áp, cách chức, bắt giam, ám sát, bắt cóc, tra tấn, thủ tiêu….. Thế là các nhà lãnh đạo Phật Giáo lại phải kêu gọi các chư Tăng, Ni cùng đồng bao Phật tử vùng lên tái đấu tranh.[5]

    Cuộc tranh đấu này quả thực gay go và phức tạp, Ngoại Trưởng Vũ Văn Mẫu đã phải từ chức để phản đối hành động đàn áp Phật Giáo của chế độ Ngô Đình Diệm. Ông Trần Văn Chương, đại sứ của chính phủ VNCH tại Liên Hiệp Quốc và là thân phụ của bà Trần Lệ Xuân vợ ông Nhu, cũng từ chức để phản đối cuộc đàn áp Phật Giáo của chính quyền Ngô Dình Diệm. Tướng Lê Văn Nghiêm tư lệnh Quân Đoàn I, lên tiếng phản đối sự đàn áp dã man của phía chính quyền thì bị cách chức, đa số các quân nhân ở Quân Đòan I đã cùng đồng bào Phật tử tham gia biểu tình, nhất là ở tại Huế và Đà Nẵng. Thị Trưởng Đà Nẵng lúc đó là Đại tá Lê Quang Mỹ nguyên tư lệnh Hải quân, bị cách chức, sau đó lại được Tổng thống Ngô Dình Diệm cử Đại tá Trân Ngọc Châu ra hay thế. Trần Ngọc Châu có rất nhiều kế hoạch thâm độc để đánh phá các cuộc biểu tình của Phật giáo lúc đó. Tại Huế và Đà Nẵng khí thế tranh đấu đòi bình đẳng tôn giáo của Phật Giáo rất sôi động.

    Noi gương Bồ tát Thích Quảng Đức, khi chính quyền Ngô Đình Diệm vi phạm Thông cáo chung còn có 6 Tăng Ni và 1 cư sĩ của Phật giáo Việt Nam cũng tự thiêu để đòi quyền tự do bình đẳng tôn giáo đã tạo nên một làn song cuồn cuộn làm sụp đổ chế độ độc tài, gia đình chị của họ Ngô vào ngày 1-11-1963.

     3.4.1. Đại đức Thích Nguyên Hương tự thiêu ngày 4-8-1963 tại Phan Thiết

    Đại Đức Thích Nguyên Hương 23 tuổi, hiệu là Đức Phong, tục danh là Huỳnh Văn Lễ, sanh năm 1940, tại làng Long Tỉnh, xã Liên Hương, Quận tuy Phong, Tỉnh Bình Thuận (Trung Việt). Thân phụ là Huỳnh Thân, Thân Mẫu là Trương Thị Lang, chỉ sanh một mình Đại Đức, đặt tên là Huỳnh Văn Lễ.

    Trong thời thơ ấu, vì nhà ở sát chùa, nên Đại Đức thường được mẹ dẫn dắt tới lui cảnh thiền môn để lễ Phật nghe kinh. Do đó, năm vừa lên 6, lòng mến đạo đã thấm nhuần trong tâm tưởng, Đại Đức được cha mẹ cho xuất gia học đạo, và được Thượng Tọa Thích Quang Chí, tọa chủ chùa Linh Bửu cho thọ Tam Qui, Pháp danh là Nguyên Hương. Năm 12 tuổi, Đại Đức được thọ ngũ giới. Từ đó Đại Đức chuyên tâm tu niệm, dốc lòng phụng sự Tam Bảo.

    Năm 20 tuổi, Đại Đức thọ Cụ túc giới, được hiệu là Đức Phong. Thọ giới xong, đạo niệm của Đại Đức ngày một thêm tinh tấn. Và trên bước đường vân du Hóa-Đạo, Đại Đức đã được rất nhiều người cảm mến kính trọng. Nhưng vì thầm nguyện an tâm tu niệm, nên Đại Đức dừng bước vân du và nhận chức Trụ trì tại chùa Bảo Tạng.

    Từ ngày Phật-giáo bị đại nạn, Đại Đức đã thấu triệt sự tồn vong của Đạo pháp là vấn đề trọng đại, còn tấm thân ngũ uẫn này là tạm bợ, nên sau 2 ngày tuyệt thực tại chùa Tỉnh hội Phật-giáo Bình Thuận, Đại Đức một mình lặng lẽ rời chùa , tay sách thùng xăng dấu trong tấm áo cà sa, đi thẳng lên đài Chiến sĩ, trước tòa Tỉnh trưởng Phan Thiết. Thầy đắp y vàng, ngồi kiết già, tẳm xăng rồi tự thiêu. Chỉ trong chốc lát lửa cháy bừng lên. Thầy không cử động, tay quyết ấn, ngồi ngay thẳng với dáng điệu tọa thiền cho tới khi lửa tắt và Thầy nằm xuống. Lập tức một đơn vị quân đội kế cận được huy động đến chở thi hài Thầy vào Bệnh viện Phan Thiết. Lúc ấy là 12 giờ ngày 4-8-1963.

    Nghe tin này, một số Tăng Ni Phật tử đến bệnh viện để thăm thầy. Thấy vậy lực lượng canh phòng mỗi lúc một tăng, trong cảnh ấy Tăng Ni Phật tử đành phải nằm quanh nhà xác để canh chừng nhục than của thầy vì sợ chính quyền phải cướp lấy không biết giờ phút nào. Một số Tăng Ni Phật tử bị giam lỏng không ăn, không uống, không một tin tức. Ngày 5-8, chính quyền bắt ba mẹ của Đại đức Thích Nguyên Hương đến ghi âm lại những lời họ bịa đặt ra để trấn an dư luận. Họ còn ra lệnh cứ ba bốn nhân viên thuộc hạ kéo một Thầy hoặc một Ni cô liệng vào phòng điên, còn những Tăng Ni Phật tử không còn chỗ chứa bị họ bắt vặn tay lui đằng sau và dẫn ra đứng trước sân. Trong khi ấy những Tăng Ni Phật tử ngoài bệnh viện kêu cứu phản đối nhưng đều bị đàn áp. Thế rồi, nhân viên công lực ào vào nhà xác bế nhục than thầy Nguyên Hương cho vào hòm. Đau đớn nhất là khi nghe những tiếng lắc cắc do gân đứt xương gãy tạo nên! Sở dĩ họ phải bẻ gãy vì lúc thiêu Thầy ngồi kiết già, tay bắt ấn.[6] Chỉ trong chốc lát họ đã bỏ được vào hòm, cho lên xe và chạy về Tuy Phong. Trong tình cảnh ấy, một số Tăng Ni Phật tử quá đau đớn nhào lên xe cố đòi cho kỳ được xác Thầy nhưng sức yếu thế cô bị nhân viên công lực đạp xuống nên đành đứng lại gào thét khóc than nhìn theo thân xác người đã khuất với nỗi niềm vô vọng, tiếc thương.

    Thế là gần 2 tháng sau ngày ký bản Thông cáo chung của chính quyền Ngô Đình Diệm, một lần nữa Thầy Nguyên Hương, một tăng sĩ trẻ của Phật giáo Việt Nam lại noi gương Bồ tát Thích Quảng Đức tự thiêu vì đạo để phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền họ Ngô. Huyễn thân tuy mất, nhưng Đại Đức còn để lại trong lòng người một cái gì bất diệt.[7]

     

     3.4.2. Đại đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu ngày 13-8-1963 tại Thừa Thiên

     Đại Đức Thích Thanh Tuệ, 18 tuổi, tục danh Bùi Huy Chương, sinh tại ba Khê, quận Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Bùi Dư, thân mẫu là bà Hoàng Thị Phục. Mẹ mất từ lúc Đại đức lên 10 tuổi. Cụ Dư ở vậy nuôi con. Đại đức có 2 chị gái lớn và 1 anh trai là Bùi Cầu 23 tuổi, quân nhân. Sau Đại đức còn 1 em trai út.

    Vì ham mộ đạo lý nhà Phật, nên năm 1960 Đại đức vào quy y chùa Phước Duyên, thuộc xã Hưng Long, quận Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, được pháp danh là Thanh Tuệ.

    Năm 1963, Đại đức đỗ bằng trung học đệ nhất cấp với hạng bình thứ. Vì tính rất ôn hòa và hiền hậu, nên Đại đức đã được Ngài trụ trì chùa Cu Võ Đức Phú, pháp danh Thích Đãnh Lễ rất thương yêu. Đặc biệt là Đại đức rất hiếu thảo với cha mẹ, thường tỏ ý thương tiếc từ mẫu đã quá vãng sớm. Hằng năm đến ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ mẹ, dầu cho bận việc thế nào, Đại đức cũng về quê tại Hải Lăng, tụng kinh niệm Phật ngày đêm để cầu siêu cho mẹ.

    Trước ngày tự thiêu 9 hôm, tức là ngày mùng 4.8.1963, nhằm ngày rằm tháng 6 là ngày giỗ mẹ, Đại đức cùng Ngài trụ trì là Thích Đãnh Lễ về quê nhà. Đại đức tụng niệm suốt đêm ngày, để cầu siêu cho mẹ và cũng là lần chót Đại đức từ giã gia đình về cõi Phật.

    Vì thấy Phật giáo bị đại nạn, đứng trước sự tồn vong của Đạo pháp, Đại đức phát nguyện tự thiêu để cứu nguy Đạo pháp vào đêm 12 rạng 13.8.1963 tại chùa Phước Duyên, thuộc núi Thiên Mụ, tỉnh Thừa Thiên. Chính quyền Ngô Đình Diệm đã cướp lấy thi hài của Đại đức nên đã gây ra một cuộc đàn áp với Phật tử. Kết quả cuộc đàn áp này là 25 Phật tử bị thương, trong đó có 5 người người bị thương khá nặng phải đem vào bệnh viện điều trị. Ngay chiều hôm Đại đức Thích Thanh Tuệ thiêu thân, Thượng tọa Thích Trí Thủ đã đánh điện vào Sài Gòn yêu cầu Ủy ban Liên Phái can thiệp với chính quyền Ngô Đình Diệm trả lại thi hài của Đại đức Thích Thanh Tuệ. Tuy nhiên yêu cầu của Phật giáo không những không có hiệu quả mà thi hài của Đại đức không biết chính quyền đã chôn lén ở một nơi nào.[8]

     3.4.3. Ni cô Diệu Quang tự thiêu ngày 15-8-1963 tại Ninh Hòa

    Ni cô Thích nữ Diệu Quang, tục danh là Ngô Thị Thu Minh, tự Minh Nguyệt, 27 tuổi, tự thiêu vào 8 giờ 30 sáng ngày 15-8-1963. Ni cô đã dùm ét xăng tự thiêu tại một ngỏ hẽm gần chùa Chi Hội, cạnh trường Hòa Xuyên tại Ninh Hòa. Chính quyền địa phương lập tức tới nơi thi nhặt thi hài của Ni cô và mang đi mất tích. Cũng vì chính quyền quá mau lẹ cho nên Tỉnh hội Phật giáo Nha Trang không tìm kiếm được một di tích gì của Ni cô để lại cả di bút là lá thư thứ mà thông thường trước khi tự thiêu, vị nào cũng ghi lại để nói lên nguyện vọng của mình. Sau ngày Ni cô Diệu Quang tự thiêu Phật giáo đồ Nha Trang đứng lên biểu tình đòi trả lại thi hài của Ni cô. Cuộc biểu tình này ngay lập tức bị đàn áp dã man của nhân viên công lực, khiến gần 30 người bị thương và trên 200 thiện tín bị bắt. [9]

    Sau đó, nhà cầm quyền cho bao vây hai chùa Tỉnh Hội và Phật học viện Nha Trang, nhốt hơn 300 Tăng Ni và thiện tín trong đó. Trong 3 ngày hai chùa này bị đàn áp dã man và kết quả của cuộc đàn áp này có 4 Tăng, 1 Ni và 3 Phật tử bị trọng thương, 2 vị Tăng khác bị quăng xuống hồ và được gia đình Phật tử Phước Hải vớt lên. Rất đông học sinh Phật tử bị bắt, nhiều nhất là các nữ sinh Phật tử.[10]

    Theo Trần Tuyết Hoa tác giả của bài viết “Thánh tử đạo Diệu Quang” đã viết: “…có cái gì đó rất đặc biệt ở người con gái có đôi mắt đẹp mơ màng rất Huế và buồn vời vợi, buồn đến lạ lùng, một nét buồn thánh thiện mà ai nhìn vào cũng phải chao lòng. Lúc chưa xuất gia: “Chị đi dạy ở trường tiểu học và nổi tiếng là cô giáo rất thương yêu học trò - Em trai tôi học với chị cũng thần tượng chị là cô giáo hiền thục nhất trường. Ở nhà, là người chị gương mẫu hiền lành, ít nói, luôn thương chiều các em. Nhìn dáng chị đi về thanh thoát, nhẹ nhàng, giọng nói nhỏ và êm như ru, có vẻ sợ làm kinh động đến người khác. Thỉnh thoảng chị cười thật nhẹ mà đôi mắt vẫn buồn tênh, ưa nhìn vào khoảng không, tư lự... Tôi cảm thấy ở chị một phong cách khác người, là lạ mà hồi đó tôi chưa nghĩ ra. Tôi thường nói đùa với Hương (em gái Ni cô Diệu Quang): “Chị Nguyệt có vẻ như một tiên nữ đi lạc xuống cõi trần ô trọc này vậy!...” Hương cười tự thú: “Chị hiền lắm mi ơi! - Me tao hay lo là chị hiền quá sợ sau ra đời sẽ khổ...” - Tội nghiệp chị ghê đi..”[11]

    3.4.4. Thượng tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu ngày 16-8-1963 tại Huế

    Thượng tọa Thích Tiêu Diêu 71 tuổi, hiệu là Tâm Nguyện, tục danh là Đoàn Mễ, sanh năm 1892 tại làng An Tuyền tức là Chuồn, quận Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách Thị xã Huế ngót 10 cây số.

    Thượng tọa sanh trưởng trong một gia đình đạo đức giàu có và chức sắc trong làng.

    Thượng tọa có 9 người con, hai người cũng đã xuất gia tu hành là Đại đức Thích Thiên Ân (đậu bằng Tiến sĩ ở Nhật) và Đại đức Thích Đức Tường, hiện tu học tại Phật học viện Nha Trang Trung Phần.

    Thượng tọa Tiêu Diêu xuất gia năm 1930 và tu tại chùa Tường Vân, làng Dương Xuân Thượng. Thượng tọa là đệ tử của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Năm 1952, người thọ Cụ túc giới. Vì muốn tu trong cảnh thanh vắng, nên Thượng Tọa đã lập một cái cốc trên ngọn đồi bên chùa Châu Lâm, để tiện nhập thất tu niệm.

    Thượng Tọa rất chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp qua kinh sách và đã dự các lớp Phật pháp tại Phật học viện Tây Thiên, Linh Quang. Thượng tọa tu theo hạnh Đầu đà: ăn ngủ rất ít, cứ 2 ngày mới ăn một bữa vào giờ ngọ.

    Khi cuộc tranh đấu của Phật-giáo phát khởi, Thượng tọa thường đến ở chùa Từ Đàm Huế, để tham dự các cuộc cầu siêu và tuyệt thực. Không một cuộc biểu tình, xuống đường, tuyệt thực hay cầu an cầu siêu nào cho cuộc đấu tranh và cho những người hy sinh vì đạo pháp mà Ngài không có mặt. Người dân cố đô Huế luôn thấy hình ảnh vị Sư già yếu ấy, có mặt trước tiên và bền bĩ ở khắp mọi nơi có làn sóng biểu thị.[12]

    Tình trạng đàn áp Phật giáo đồ khắp mọi nơi của chính quyền Ngô Đình Diệm đã không ngừng mà còn gia tăng khốc liệt. Những tin tức chẳng lành từ khắp nơi liên tiếp đưa về khiến lòng Ngài càng thêm đau buồn lo ngại. Đặc biệt, ngọn lửa hùng lực dũng trí của Hòa thượng Quảng Đức (11.6.1963), tiếp đến là của Đại đức Nguyên Hương (04.8.1963), Đại đức Thanh Tuệ (13.8.1963), Ni cô Diệu Quang (15.8.1963) đã làm chấn động lương tri khắp cả nhân loại yêu công lý, tự do và bình đẳng. Nhưng chỉ riêng gia đình nhà Ngô là vẫn tiếp tục điên cuồng nhắm đến một kế hoạch lớn là thủ tiêu Phật giáo. Thông tư mang tính nhân bản và từ bi của Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo ngày 14.8.1963 nhằm “kêu gọi Tăng Ni hạn chế tự thiêu cúng dường Tam bảo” vẫn chưa đủ sức hạn chế sự căm phẫn, xót xa của hàng triệu Tăng tín đồ khắp mọi nơi. Hơn thế nữa, bản thông cáo chung giữa chính quyền và Phật giáo ký kết ngày 26.6.1963 mà người hạ bút ký vào đó không ai khác hơn là Ngô Đình Diệm, nhưng Diệm đã phản bội bản thông cáo chung đó, khiến Phật giáo đồ Việt Nam phải tiếp tục cuộc đấu tranh.

    Trong những tháng ngày tuyệt thực, đấu tranh, biểu tình, xuống đường và cả những khi bị bắt bớ giam cầm, Ngài luôn nghĩ phải tìm ra một phương cách sẽ tự mổ bụng hoặc tuyệt thực cho đến chết nhưng sau đó Ngài quyết định tự thiêu thân để bày tỏ sự phản kháng của mình, hy vọng làm bừng tỉnh lương tâm những kẻ chủ trương kỳ thị và đàn áp Phật giáo.

    Ngày 16 tháng 8 năm 1963, lúc 4 giờ sáng, ngay tại sân chùa Từ Đàm, nơi lãnh đạo cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo miền Trung, Ngài tự châm ngọn lửa thiêu đốt thân mình, để soi sáng vô minh và nhắn nhủ hậu sinh về sự kiên cường bất khuất, dũng lực trong mọi nghịch chướng.

    Ngài trụ thế 71 tuổi đời, với 32 tuổi đạo, để lại lịch sử đấu tranh của Phật giáo nét son vĩnh cửu của một bậc Vị pháp thiêu thân hiến dâng cho sự nghiệp chung.[13]

    3.4.5. Đạo hữu Nguyễn Thìn tự thiêu ngày 29-9-1963 tại Vũng Tàu

    Đạo hữu Nguyễn Thìn, pháp danh Hồng Thê, sinh năm 1932 tại Huế, đã gia nhập hang ngũ quân đội trong năm qua, và cuối cùng bị thương phế nên được về an dưỡng ở Vũng Tàu. Khi phải chứng kiến bao trạng huống lầm than của đất nước, anh đã tự thiêu thân vào ngày 29-9-1963 ở phía sau chùa Phước Lâm, Vũng Tàu. Trước lúc về cõi Phật, anh Thìn đã để lại nhiều di bút. Trong đó có những thư từ như sau:

    “Tôi tự thiêu để phản đối chính sách của Chính quyền đã đạp phá các chùa chiền, bắn giết, bắt bớ, giam cầm, tra tấn các chư vị Tăng, Ni, cùng Phật giáo đồ và sinh viên, học sinh.

    Tôi đem hết lòng thành kính cầu nguyện Đức Từ Phụ, gia ân cho cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam chống thành quả tốt đẹp, và dân tộc Việt Nam mau thoát khỏi cảnh lầm than điêu đứng do bè lũ độc tài Ngô Đình Diệm gây ra.”[14]

    Trong một cuốn quyển sổ nhỏ của anh Nguyễn Thìn có những vần thơ dang dở sau đây:

    Tôi nằm xuống, người sau ơi! bước tới

    Dẫm lên tôi, tô điểm nước non này

    Quét mây mù cho nắng sớm ngàn cây

    Trừ cường bạo giang sơn về một mối

    Ai bạn? Ai phản bội?

    Xây ngai vàng trên xương máu lương dân!

    Bà con ơi! Trong trạng huống qua phân …..[15]

    3.4.6. Đại đức Thích Quảng Hương tự thiêu ngày 5-10-1963 tại Sài Gòn

    Đại Đức Thích Quảng Hương 37 tuổi, tục danh là Nguyễn Ngọc Kỳ, đạo hiệu là Bảo Châu, sanh ngày 28.7.1926 tại xã An Ninh, quận Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Năm 1940, anh ruột của Đại đức xuất gia đầu Phật, nên Đại đức thường xuyên lui tới chùa để tụng kinh sám hối và học kinh. Năm 1943, Đại đức xuất gia tu học, làm đệ tử của Hòa thượng trụ trì chùa Kim Cang, Phú Yên. Năm 1947, Đại đức cùng với 5 vị Đại đức khác trong xã An Đức, quận An Thành, lập Chi hội Phật học tại quận này. Năm 1949, Đại đức cầu Pháp và thọ Cụ Túc giới với Hòa Thượng Liểu Tôn, trụ trì chùa Quãng Sơn và nhận chức thư ký của chi hội Phật giáo An Hiệp. Năm 1950, Đại đức đến Phan Thiết chữa bệnh. Sau khi bình phục, Đại đức vào học tại Phật học viện Nha Trang. Năm 1959, Đại đức được Thượng tọa Giám Viện Phật học viện Nha Trang cử làm Giảng sư tại tỉnh Hội Phật giáo Đà Lạt. Năm 1961, Đại đức được Hòa thượng Hội Chủ cử kiêm nhiệm trụ trì và Giảng sư tại tỉnh Hội Phật giáo Buôn Mê Thuột. Đại đức đã ở đây cho đến ngày tự thiêu.

    Vào hồi 12 giờ 30 ngày 5-10-1963, tại công trường Diên Hồng, trước cửa Nam chợ Bến Thành, trong lúc lực lượng an ninh của chính quyền Diệm đang bố trí, canh phòng nghiêm ngặt để ngăn ngừa những cuộc biểu tình của quần chúng, thì một ngọn lửa sáng lòa bốc lên làm cháy xém cả hàng cây trong công trường.

    Mọi người qua đường dừng lại, các ký giả ngoại quốc ráo riết hoạt động và cảnh sát, mật vụ đổ xô về nơi ngọn lửa. Mười phút sau quần chúng bao quanh công trường bị đánh rạt đi, lực lượng cảnh sát phủ kín mặt đường. Máy quay phim, chụp hình bị đập nát, một vài ký giả ngoại quốc bị đánh gãy tay, vỡ đầu vật xuống. Thế rồi, một thi hài cháy đen như than được lôi ra trong công trường, quăng lên xe và đem đi biệt tích.

    Một sự kiện xảy ra trước sau không đầy 30 phút, vậy mà đã in đậm trong lòng những người con đất Việt vốn yêu chuộng hòa bình. Người tự thiêu tại công trường Diên Hồng là Đại đức Thích Quảng Hương. Vì thấy Phật-giáo bị đại nạn, nên Đại Đức phát nguyện tự thiêu để tranh thủ cho 5 nguyện vọng chân chính của Phật-giáo.[16]

    Người đã góp phần tích cực vào việc thực hiện đại ngyện tự thiêu vì đạo của Đại đức là Ni cô Chơn Phước và sinh viên Trương Quang Đại.[17] 

     3.4.7. Đại đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu ngày 27-10-1963 tại Sài Gòn

     Đại đức Thích Thiện Mỹ, thế danh là Hoàng Miều, sinh năm Canh Thìn 1940 tại Bình Định trong một gia đình nhiều đời sùng tín Phật đạo. Ngài được song thân cho vào chùa làng xuất gia từ thuở bé thơ, theo chư Tăng hầu cận thị giả và học tập thời khóa thiền môn để mong khi lớn lên sẽ là bậc Như Lai sứ giả kế tục truyền đăng ánh sáng chánh pháp.

    Năm Bính Thân 1956, khi đến tuổi 16, Ngài thọ giới Sa di tại chùa do Bổn sư truyền thọ. Sau khi thọ giới, Ngài được Bổn sư cho theo học tại các Phật học đường của Giáo hội tổ chức ở Tổ đình Thập Tháp và Long Khánh – Qui Nhơn.

    Năm Canh Thân 1960, khi tuổi đời đủ 20, Ngài được Bổn sư cho thọ đại giới tại giới đàn chùa Bửu Tích ở Phan Rí Thành, Bình Thuận, do Hòa thượng Thích Viên Trí làm Đàn đầu truyền giới. Đồng khóa giới tử với Ngài là Đại đức Thích Nguyên Hương, cũng là một bậc Vị pháp thiêu thân trong cuộc pháp nạn 1963.

    Sau khi thọ đại giới, Ngài bắt đầu du phương tham học hành đạo. Nhận thấy miền cao nguyên sơn cước Phật đạo còn sơ khai, Ngài chọn phương này làm nơi du hóa. Đầu tiên, Ngài ngược con đường từ Tây Sơn – Bình Định lên cao nguyên Đắc Lắc, rồi dần đến cao nguyên Lâm Viên và Ngài dừng chân tại thành phố Đà Lạt để tu học trau giồi Giới Định Tuệ và bước đầu hoằng hóa độ sanh.

    Năm Quý Mão 1963, lúc này tại Sài Gòn, phong trào đấu tranh chống đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm đã lên đến cao trào. Những ngọn lửa thiêu thân thắp sáng vô minh để bảo vệ Phật giáo trước cường quyền của những vị Bồ tát Quảng Đức, Thượng tọa Tiêu Diêu, Đại đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương... đã đánh thức lương tâm nhân loại.

    Đầu tháng 7 năm 1963, trong cuộc đấu tranh đòi thực thi năm nguyện vọng Phật giáo của Tỉnh Giáo hội Tuyên Đức (Đà Lạt), Ngài đã tự chặt ngón tay trỏ trong một cuộc biểu tình để bày tỏ sự phản đối chính quyền không thi hành đúng đắn bản thông cáo chung đã ký với Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo.

     Ngày 7 tháng 10 năm 1963 tại New York, Đại hội đồng Liên hiệp quốc mở cuộc họp về tình hình Việt Nam. Một phái đoàn điều tra của Liên hiệp quốc gồm 7 người tới Sài Gòn vào ngày 24 tháng 10 năm 1963, mục đích tiếp xúc với Phật giáo để nắm rõ sự vi phạm của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với Phật giáo. 

    Bức xúc trước cuộc đấu tranh của toàn thể Tăng Ni Phật giáo đồ, Ngài từ thành phố Đà Lạt xuống Sài Gòn vào giữa tháng 10 năm này, cư trú tại chùa Vạn Thọ – Tân Định để cùng chư tôn đức tham gia cuộc tranh đấu đang đến hồi quyết liệt trước sự quan tâm của thế giới, đang dần đi đến kết quả.

    Ngày 27 tháng 10 năm 1963, phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc đã có cuộc tiếp xúc riêng với Hòa thượng Hội chủ Thích Tịnh Khiết tại chùa Ấn Quang. Ngài dự định tự thiêu trước chùa Ấn Quang để bằng hành động tỏ với phái đoàn điều tra tâm nguyện của Phật giáo đồ, nhưng vì chính quyền ngăn trở đề phòng, Ngài bèn chuyển bước âm thầm đến công trường Hòa Bình - Nhà thờ Đức Bà – đối diện Vương Cung Thánh Đường Sài Gòn thực hiện ý định của mình.

    Vào lúc 10 giờ 30 sáng hôm đó, Đại đức Thiện Mỹ đã tự thiêu ngay dưới cột đèn, có gắn bảng đường Tự Do. Lúc Đại đức mới châm lửa vào áo tẩm xăng sẵn, thì có một số đồng bào từ trong nhà thờ đi ra, và người đi đường xúm lại bao quanh lễ Ngài và các phóng viên ngoại quốc đã được thông tin trước chạy đến.

    Một phút sau, cảnh sát ập lại, lấy mền đè Đại đức ngã xuống. Nhưng ngọn lửa bùng lớn, làm cháy luôn cái mền. Cảnh sát vùng chạy, Đại đức lại từ từ ngồi ngay dậy, chấp tay vái lạy những Phật tử bên đường đang lễ Ngài, cho đến lúc Ngài tịch diệt.

    Các phóng viên đã quay phim chụp ảnh cảnh tượng này nhưng bị cảnh sát giật lấy đi. Khi bốn người phái đoàn điều tra Liên hiệp quốc hay tin đến nơi, thì xe cứu hỏa vẫn còn đang xịt nước hầu xóa đi dấu tích của vụ tự thiêu. Trong khi đó, đồng bào đã tụ họp lại biến thành một cuộc biểu tình để phản đối chính quyền đã cố tình làm ngơ những nguyện vọng của Phật giáo đồ Việt Nam, và để tưởng niệm đến một bậc vị pháp thiêu thân nữa vừa hiến mình cho sự trường tồn của đạo pháp.

    Trước lúc ra đi về cõi tịch diệt, Ngài đã viết bốn bức thư để lại:

    - Gửi cho Tổng thống Ngô Đình Diệm;

    - Gửi cho đức Hội chủ Phật giáo Thích Tịnh Khiết;

    - Gửi cho ông U-Thant, Tổng thư ký Liên hiệp quốc.

    - Gửi cho Phật giáo đồ Việt Nam, kêu gọi hãy tiếp tục cuộc đấu tranh đòi quyền tự do bình đẳng của Phật giáo cho đến khi thành tựu.

    Đại đức ra đi vào lúc tuổi đời tròn 23 với 3 Hạ lạp. Sự hy sinh cao cả và phi thường của Đại Đức đã gây xúc động mạnh toàn thế giới, gây khó khăn cho chính quyền Diệm và cũng thúc đẩy phái đoàn điều tra Liên hiệp Quốc mau chóng hoàn tất nhiệm vụ, để cứu vớt Dân tộc Việt Nam.

    Ngọn lửa tự thiêu của Thích Thiện Mỹ là ngọn lửa thứ 8 của Phật-giáo Việt-Nam và cũng là ngọn lửa cuối cùng báo hiệu sự sụp đổ của chế độ bạo quyền kỳ thị tôn giáo và là ngọn lửa thiêng châm vào bể căm hờn âm ỉ trong lòng quân dân Việt Nam bùng lên dữ dội, bốc thành biển lửa cách mạng đốt thiêu một chế độ tàn bạo đen tối chỉ sau bốn ngày.

    Sự hy sinh của Đại Đức Thích Thiện Mỹ, quả đã đưa cuộc đấu tranh đầy nguy hiểm gian nan khổ cực của Phật-giáo Việt-Nam đến chổ toàn thiện và toàn mỹ. Ngày 1 tháng 11 năm 1963, quân đội thuộc chánh quyền bấy giờ đã thực hiện cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, chấm dứt giai đoạn tăm tối của đêm dài lịch sử pháp nạn Phật giáo ở miền Nam Việt Nam.

     4. Ý NGHĨA TỪ CUỘC TỰ THIÊU CỦA HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỨC

     Sự hy sinh phi thường, dũng cảm của HT Thích Quảng Đức với hình ảnh ngài ngồi yên tư thế tọa thiền trong ngọn lửa hồng đã như làn sóng điện cực mạnh lan khắp trong nước và thế giới, hàng triệu trái tim con người quàn thắt trước sự hy sinh cao cả của Ngài. Báo chí, truyền thanh, truyền hình đã loan truyền các tin tức và hình ảnh của Ngài đang ngồi kiết già trong ngọn lửa rực cháy với những lời ngợi ca khâm phục trên khắp năm châu. “Đây là một gương Đại Hùng Đại Lực, tinh tiến bất chuyển mà chúng ta thường nghe nói. Sự hy sinh cao cả của Ngài là một tiếng chuông gọi đàn cho hàng tứ chúng.” Và cũng là ngọn đuốc soi sáng lương tri những kẻ vô minh”.[18]

    Cuộc tự thiêu của Ngài là ngọn đuốc sáng cho phong trào tranh đấu của Tăng Ni Phật tử đòi bình đẳng tôn giáo. Biết bao nhiêu người con Phật đã ngã xuống, bao nhiêu Tăng, Ni, Phật giáo đồ đã bị bắt bớ, đánh đập tra khảo, bị cướp mất xác. Vẫn còn đó những Thánh tử đạo đã noi tấm gương Ngài tự thiêu như Đại đức Nguyên Hương, Thanh Tuệ, Quảng Hương, Thiện Mỹ, Thượng tọa Tiêu Diêu, Ni cô Diệu Quang… và còn đó những cái chết oanh liệt của Quách Thị Trang, Nhất Linh, những sự hy sinh không thương tiếc thân xác của Mai Tuyết An và cả những người vô danh nữa đã noi gương Bồ tát Thích Quảng Đức hiến dâng trọn đời mình cho Đạo pháp.

     Mục Sư Donakds Harring Ton (Mỹ) đánh giá cái chết của Hòa Thượng Thích Quảng Đức giống như cái chết của Chúa Giê-Su, Michqel Servetus, Jeanne d’Are cho rằng cái chết của Hòa thượng Thích Quảng Đức cao cả hơn hành động mổ bụng của người Nhật. Vì “sự tự thiêu của Ngài đã cứu vớt bao sinh linh chìm đám trong khổ hận, kẻ đàn áp cũng như những người bị đàn áp đều bừng tỉnh. Ngài đã tô đậm nét vàng son vào trang sử huy hoàng của Phật Giáo ở Việt Nam”.Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc rúng động trước chính sách kỳ thị tôn giáo tại miền Nam Việt Nam, dư luận Mỹ quay sang chống Diệm và gia đình trị của Ông ta.[19]

    Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã biến tấm áo Cà Sa với tấm thân tứ đại làm một giàn hỏa thiêu cả một chế độ kỳ thị tôn giáo. “Tổng thống Ngô Đình Diệm tại miền Nam Việt Nam đang làm một việc rất hay là Ông đang tự đốt hết nền tảng của chế độ Ông”. Khi phong trào phản kháng của Phật giáo lên cao, ngày 1 tháng 11, Quân lực Việt Nam Cộng hòa thực hiện cuộc đảo chính lật đổ tổng thống. Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát ngày hôm sau] chấm dứt một chế độ gia đình trị, tôn giáo trị của gia đình họ Ngô đã nợ mang đầy nợ máu với đất nước.

    KẾT LUẬN

    Bồ tát Thích Quảng Đức (1897 – 1963) tự thiêu cách đây đã 48 năm, nhưng ánh lửa từ bi cùng trái tim bất tử của Ngài vẫn còn tỏa sức sống trong lòng đạo pháp và dân tộc. Để ghi nhớ công hạnh của Ngài, sau khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ra đời, Hội đồng Lưỡng viện Tăng Thống và Hóa Đạo trong một phiên họp trước ngày Phật Đản năm 1964, đã đồng thanh quyết nghị suy tôn Ngài pháp vị Bồ Tát. Sau ngày đất nước thống nhất. Nhà nước dùng pháp hiệu của Ngài đặt tên cho đường Nguyễn Huê cũ chạy qua trước Chùa Quan Thế Âm là đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận.

    Quả tim Bồ Tát Quảng Đức là một chứng minh cụ thể cho tấm lòng của muôn người con Phật luôn yêu chuộng hòa bình tự do và bình đẳng nhưng cũng bất khuất trước nạn cường quyền và áp bức. Trái tim ấy trở thành biểu tượng tinh thần của Phật giáo Việt Nam và là trái tim của nhân loại đã và đang đấu tranh mãi cho tự do hòa bình, hạnh phúc nhân sinh.[20]

    Từ năm 2004, Thành ủy và UBND TP.HCM đã chỉ đạo xây tượng đài Bồ tát Thích Quảng Đức ở nơi Ngài tự thiêu vào 47 năm trước và đầu năm 2005 chọn xong mặt bằng rộng 1.848m2 góc đường Cách Mạng Tháng Tám -Nguyễn Đình Chiểu để thực hiện. Năm 2007 kết thúc cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài và phù điêu với giải chính thức trao cho hai tác giả: Võ Công Chiến - Võ Công Thắng. Công trình khởi công từ 6.11.2007, hoàn thành 17.9.2010, tổng đầu tư hơn 23 tỉ đồng. Tượng Bồ tát và phù điêu đúc bằng hợp kim đồng. Tượng cao 6m, đường kính 4m, đúc theo mẫu của các tác giả đoạt giải nêu trên. Phù điêu cao 3m, dài 12m, mô tả khái quát lịch sử đấu tranh cách mạng của phật tử và các tầng lớp nhân dân. Công viên có sân lễ, hồ sen, thảm cỏ, cùng một số công trình phụ khác xây bằng các vật liệu bền vững như đá xanh, đá trắng chở từ các tỉnh về. Tại lễ khánh thành hôm 18.9, ông Lê Tôn Thanh - Phó giám đốc Sở Văn hóa thông tin và Du lịch đã nhấn mạnh: “Đây là công trình trọng điểm đặc biệt của thành phố, đưa vào sử dụng nhằm phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, phục vụ nhân dân thành phố cũng như đồng bào và phật tử cả nước”.[21]

    Sự hy sinh của Bồ tát Thích Quảng Đức một lần nữa khẳng định con đường nhập thế của Đạo Phật luôn đồng hành cùng với dân tộc suốt mấy ngàn năm từ thời Phật giáo du nhập. Những người con Phật không từ nan trong bất cứ một khó khăn nào cho sự tồn vong của dân tộc Việt Nam. Đó là tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình và khát vọng tự do không chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực nào.

    Thích Pháp Như

     

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Lê Cung, Phong trào Phật giáo Miền Nam Việt Nam năm 1963, NXB Thuận Hóa Huế - 2008

    2. Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.44

    3. Thích THiện Hoa, Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, (1920 – 1970), http://www.phatviet.com

    4. Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Bồ tát Thích Quảng Đức và quả tim bất diệt, http://www.quangduc.com

    5. Bách khoa toàn thư mở, Thích Quảng Đức, http://vi.wikipedia.org

    6. Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập II, NXB Tôn giáo – Hà Nội, http://old.thuvienhoasen.org

    7. Lê Quang Thái, Đài Thánh Tử đạo, dấu ấn mùa Phật đản năm 1963, http://www.lieuquanhue.vn

    8. Trần Tuyết Hoa, Thánh tử đạo Diệu Quang, Báo Giác Ngộ số Phật đản PL. 2546, http://www.buddhismtoday.com

    9. Giao Hưởng, Âm vang cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức, http://www.thanhnien.com.vn


    [1] Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Bồ tát Thích Quảng Đức và quả tim bất diệt, http://www.quangduc.com/BoTatQuangDuc/34botatquangduc.html

    [2] Thích Quảng Đức, http://vi.wikipedia.org/wiki/Th%C3%ADch_Qu%E1%BA%A3ng_%C4%90%E1%BB%A9c

    [3] Lê Quang Thái, Đài Thánh Tử đạo, dấu ấn mùa Phật đản năm 1963, http://www.lieuquanhue.vn/index.php/7/29/3303.html

    [4] Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.44

    [5] Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Bồ tát Thích Quảng Đức và quả tim bất diệt, http://www.quangduc.com/BoTatQuangDuc/34botatquangduc.html

     

    [6] Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.284

    [7] Thích THiện Hoa, Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, (1920 – 1970), http://www.phatviet.com/pgvn/50nam/50n1502.htm

    [8] Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.347

    [9] Sđd, tr.354

    [10] Sđd, tr.354

    [11] Trần Tuyết Hoa, Thánh tử đọa Diệu Quang, Báo Giác Ngộ số Phật đản PL. 2546, http://www.buddhismtoday.com/viet/pgvn/nguoi/dieuquang.htm

    [12] Thích THiện Hoa, Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, (1920 – 1970), http://www.phatviet.com/pgvn/50nam/50n1505.htm

    [13] Thích Đồng Bổn chủ biên, Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX – Tập II, NXB Tôn giáo – Hà Nội, http://old.thuvienhoasen.org/danhtang2-giaidoan4-22.htm

    [14] Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.474-475

    [15] Sđd, tr.475

    [16] Thích Thiện Hoa, Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, (1920 – 1970), http://www.phatviet.com/pgvn/50nam/50n1507.htm

    [17] Quốc Tuệ, Công cuộc tranh đấu của Phật giáo Việt Nam, tr.453-454

    [18] Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Âm vang cuộc tự thiêu của Bồ tát Thích Quảng Đức

    http://www.chuaphuclam.com/home/index.php?option=com_content&view=article&id=309:am-vang-cuc-t-thieu-ca-b-tat-thich-qung-c-&catid=46:lich-su&Itemid=68

    [19] Cư sĩ Nguyễn Đức Can, Bồ tát Thích Quảng Đức và quả tim bất diệt, http://www.quangduc.com/BoTatQuangDuc/34botatquangduc.html

    [20] Thích Đồng Bổn chủ biên, Trích Danh Tăng Việt Nam, Tập I, Tiểu sử Bồ tát Thích Quảng Đức, Thành Hội Phật Giáo, Thành Phố Hồ Chí Minh Xuất Bản 1997, http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=19&t=2009

    [21] Theo Giao Hưởng, TN

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline