Bài trên Báo Giác Ngộ số 1211 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn |
Thời gian gần đây, số đông ngày càng dành nhiều sự quan tâm đối với các đầu sách Phật học. Cùng với sự gia tăng về nhu cầu của độc giả, các ấn phẩm Phật học ngày càng được đầu tư về nội dung, chỉn chu về hình thức in ấn, thiết kế,… Đồng thời, cũng trở thành mảnh đất “màu mỡ” để nạn sách giả, sách lậu sinh sôi.
Bộ sách này được NXB Hồng Đức cấp phép xuất bản và phát hành vào năm 2018, do Hòa thượng Thích Giác Toàn phát tâm ấn tống, tịnh xá Trung Tâm là đơn vị liên kết thực hiện. “Đây là lần xuất bản duy nhất của bộ sách Biện chứng Phật học gồm 3 tập và cho đến nay, chưa từng tái bản lần nào. Chúng tôi cũng không hề có chủ trương đồng ý cho đơn vị nào khác in lại bộ sách này”, Thượng tọa Thích Chúc Phú nhấn mạnh.
* Công nghệ làm giả tinh vi
Tuy nhiên, không hiểu bằng cách nào, thời gian gần đây, bộ sách Biện chính Phật học lại được đăng bán khá nhiều trên mạng. Khi thử đặt mua một bộ sách từ các trang mạng xã hội kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo nói trên, sản phẩm được giao tới lại có nhiều điểm dị biệt với ấn phẩm đã được xuất bản trước đó. Theo chia sẻ từ Thượng tọa Thích Chúc Phú cũng như quan sát của người viết, mặc dù về hình thức, bản in đầu tiên của bộ Biện chính Phật học và bản in đang được bày bán, lưu hành khá giống nhau về hình thức. Tuy nhiên, về mặt quy cách, bản in đang được lưu hành lại có một số khác biệt nhất định về màu sắc và quy cách bìa, chất lượng in ấn trong các trang ruột sách đôi chỗ không rõ nét, nhòe chữ,…
Nhìn vào hai bản sách thật (phải) và sách giả (trái), người đọc rất khó có thể phân biệt được |
Tham khảo ý kiến một vài người có chuyên môn trong lĩnh vực in ấn, thiết kế, khi so sánh hai bản in Biện chính Phật học gốc và bản hiện đang được rao bán, đa số đều nhận định, bản sách Biện chính Phật học hiện đang được rao bán rất có khả năng là bản sách giả. Tuy nhiên, đây là bản sách giả được thực hiện một cách rất tinh vi với hình thức bìa cứng, đóng xén kỹ lưỡng, chất lượng in ấn cũng tương đồng với bản gốc. Cũng vì lẽ đó, một người bình thường khi nhìn vào hai bản sách này dù được đặt cạnh nhau, cũng rất khó phân biệt đâu là bản sách gốc, đâu là bản sách giả, từ đó, vô tình tiếp tay cho việc tiêu thụ sách giả, sách lậu trên thị trường.
*Làm giả cả sách… ấn tống
Tuy nhiên, bộ sách Biện chính Phật học của Thượng tọa Thích Chúc Phú chỉ là một trong số rất nhiều trường hợp liên quan đến tình trạng in ấn lậu sách Phật giáo đang diễn ra tràn lan trên thị trường. Trong số đó, có cả các sách ấn tống được thực hiện với mục đích phi lợi nhuận cũng được sao chụp, in giả nhằm mục đích kinh doanh kiếm lời.
Chia sẻ với báo Giác Ngộ, họa sĩ Trần Nguyên Hải, người chuyên thực hiện các thiết kế sách Phật giáo cho biết, anh cũng là một trong số những “nạn nhân” của tình trạng sao chép sách lậu. “Khi được giao thực hiện các ấn phẩm Phật giáo, tôi luôn đặt tính thẩm mỹ, sự chỉn chu đến từng chi tiết thông qua việc ứng dụng các kỹ thuật in ấn trình độ cao. Tôi quan niệm đó cũng là cách để làm đẹp thêm cho Pháp bảo thông qua cái nhìn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một số bộ sách tôi tham gia thiết kế vừa được đưa ra công chúng không bao lâu thì đã bị sao chép, in lại một cách rất thô thiển, lem luốc. Điều đáng nói là rất nhiều bộ sách được phía đầu tư thực hiện với mục đích ấn tống, phi lợi nhuận để đưa giáo pháp đến với mọi người lại bị sao chép, in lậu và rao bán trên các kênh mạng xã hội. Đó là một việc làm không hay”, họa sĩ Trần Nguyên Hải chia sẻ.
Bản Trí Tịnh toàn tập được in lậu một cách tinh vi |
Một trường hợp khác cũng cần kể đến đó là bộ Trí Tịnh toàn tập. Đây là công trình sưu lục những trước tác, dịch thuật, pháp ngữ,… của Đại lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh được chư đệ tử của ngài trong môn phong Vạn Đức thực hiện ngay sau ngày ngài viên tịch. Bộ sách gồm 20 tập được NXB Tôn Giáo cấp phép xuất bản và phát hành rộng rãi đến quần chúng. Thời gian gần đây, trên một vài kênh mạng xã hội liên quan đến văn hóa phẩm Phật giáo xuất hiện một bộ Trí Tịnh toàn tập với hình thức khác biệt so với bộ sách trước đây.
Liên hệ với phía chùa Vạn Đức để nắm thêm thông tin, Đại đức Thích Nguyện Truyền chia sẻ: “Bộ Trí Tịnh toàn tập hiện tại đang hết sách, phía nhà chùa đang tiến hành việc rà soát, hiệu đính lại nội dung và có dự định tái bản trong thời gian tới nhằm đáp ứng nhu cầu của bá tánh Phật tử. Tuy nhiên, phía nhà chùa không hề có thông tin gì về bản in Trí Tịnh toàn tập với nhiều điểm khác biệt về mặt hình thức đang được rao bán trên thị trường. Bản in này cũng hoàn toàn không phải do phía nhà chùa thực hiện”.
Hai bản sách giả (trái) và sách thật do họa sĩ Trần Nguyên Hải thiết kế (phải) với độ chênh lệch rõ nét về thẩm mỹ, kỹ thuật in ấn |
Với một số trường hợp đơn cử được nêu ra, có thể thấy được phần nào hiện trạng kinh doanh, in ấn sách lậu giả, sách lậu đã và đang dần len lỏi sâu vào trong môi trường Phật giáo. Khách quan nhìn nhận, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này phần nào đến từ sự “thoáng” trong cách nghĩ, cách làm của một số cá nhân, đơn vị trong Phật giáo với quan niệm kinh sách lưu thông được càng nhiều, càng sâu rộng càng tốt nên dễ dàng bỏ qua khi vô tình bắt gặp sách giả, sách lậu.
Chính điều này, vô hình trung, tác động và làm cho tình trạng sách lậu trở nên phổ biến cũng như ý thức về bản quyền trở thành vấn đề nan giải trong lĩnh vực xuất bản các ấn phẩm Phật giáo. Để ngăn chặn tình trạng phát tán, lưu hành của sách giả, sách lậu liên quan đến các ấn phẩm Phật giáo, trước mắt, có lẽ quan trọng hơn hết phải cần đến sự chung tay của các cá nhân, đơn vị kinh doanh văn hóa phẩm Phật giáo.
Rộng hơn nữa, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thiết nghĩ đây cũng là vấn đề mà các ban ngành chuyên môn của Giáo hội cũng cần lưu tâm và có hướng gợi ý xử lý phù hợp để số đông Tăng Ni, Phật tử và những người mến mộ đạo Phật không phải chịu những thiệt hại do tình trạng sách giả, sách lậu gây ra.
Trần Cảnh/Báo Giác Ngộ