[Trái tim bất tử] Kỳ 1: Đêm trước tự thiêu

Ngày đăng: 26/05/2024 10:21 AM

     

    Hơn nửa thế kỷ trước, ngày 11-6-1963 (20-4-Quý Mão), ngọn lửa vị pháp thiêu thân của Bồ-tát Thích Quảng Đức đã bùng lên. Ngọn lửa thiêng đó còn soi đường chính nghĩa cho những ai yêu chuộng công lý và hòa bình.

    Tuổi Trẻ đã tìm gặp chính nhân vật quan trọng đã tổ chức cuộc tự thiêu và cả nhân chứng phía bên kia là mật vụ đã theo dõi Bồ-tát Thích Quảng Đức, để tường minh thêm cuộc “vị pháp thiêu thân” đặc biệt này.

    Nhắc lại sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu, Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Nghiệp vẫn xúc động như là câu chuyện ngày hôm qua.

    Từng đảm nhiệm chức Vụ trưởng Ban Đối ngoại và Điều hành của Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp hiện là một trong ít nhân chứng tường tận giai đoạn lịch sử này. Đặc biệt, Hòa thượng cũng chính là người trực tiếp giúp tổ chức vụ vị pháp thiêu thân thể theo tâm nguyện của Bồ-tát Thích Quảng Đức.

    Que diêm và biển lửa

    Những năm đầu thập niên 1960, quan hệ giữa Phật giáo và chính quyền Ngô Đình Diệm đã âm ỉ căng thẳng. Đại lễ Phật đản năm 1963 trùng thời điểm khánh thành một nhà thờ lớn ở Quảng Trị. Tổng thống Diệm trên đường đi dự lễ khánh thành nhà thờ này thấy rất nhiều Phật kỳ được treo trang trọng khắp Huế.

    Ngô Đình Diệm cau mày hỏi Quách Tòng Đức, đổng lý văn phòng phủ tổng thống, đi theo tháp tùng và được trả lời là cờ Phật giáo treo mừng Phật đản. Không cần đợi phải họp bàn, tổng thống Diệm hạ lệnh khẩn cấp cho Quách Tòng Đức với nội dung: gửi gấp công điện lệnh cho khắp nơi trên toàn quốc phải hạ cờ Phật giáo xuống, chỉ được treo trong phạm vi nhà chùa.

    Mệnh lệnh này như một que diêm thảy vào lò than vốn đã âm ỉ nóng bỏng trong giới Phật giáo trước các chính sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền anh em nhà Ngô. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp xúc động kể: “Các cuộc đấu tranh của Phật giáo nhanh chóng liên tiếp bùng nổ. Nó khởi đầu ở Huế rồi lan rộng vào Sài Gòn và các tỉnh...”.

    Đỉnh điểm căng thẳng nhất là vụ nhiều Phật tử bị giết chết và bị thương trước Đài phát thanh Huế trong đêm 8-5-1963. Trong đó ngoài các phật tử còn có người dân và trẻ em tụ tập trước đài phát thanh nghe ngóng tình hình thời sự từ Sài Gòn. Theo Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, thiếu tá Đặng Sỹ của chính quyền Ngô Đình Diệm là một trong những kẻ đã thực hiện vụ sát hại đẫm máu này!

    Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân
    Bồ-tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân

    Trước tình thế dầu sôi lửa bỏng, Hòa thượng Tăng thống Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để ra bản tuyên ngôn năm điểm gửi đến phủ tổng thống Ngô Đình Diệm. Trong đó có các nội dung yêu cầu chính phủ phải thu hồi công điện triệt hạ Phật kỳ, cho Phật giáo được hưởng chế độ đặc biệt như các hội truyền giáo khác được ghi trong đạo dụ số 10, cho Tăng Ni và Phật tử được tự do truyền đạo, hành đạo.

    Đặc biệt, tuyên ngôn này cũng yêu cầu chính phủ chấm dứt tình trạng bắt bớ, khủng bố Phật giáo và nghiêm trị những kẻ chủ mưu sát hại Phật tử ở Huế... Một Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam cũng được khẩn cấp thành lập.

    Sau đó, các Hòa thượng Thiện Hoa, Tâm Châu, cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền đại diện Ủy ban Phật giáo này được vào phủ tổng thống Ngô Đình Diệm nhưng vẫn không có kết quả. Phật giáo vẫn tiếp tục bị chính quyền đàn áp nặng nề.

    Không thể ngồi im

    Một buổi sáng, Hòa thượng Thích Đức Nghiệp (lúc đó là Đại đức dạy học ở Trường Vạn Hạnh) được mời đến chùa Ấn Quang dùng cơm trưa với các Hòa thượng Thích Tâm Châu, Thích Thiện Minh và Thích Thiện Hoa. Hòa thượng Thích Thiện Minh nói thẳng: “Tình hình Phật giáo căng thẳng lắm rồi. Chúng ta cần phải đấu tranh tích cực. Xin mời Đại đức Thích Đức Nghiệp nhận lãnh trách nhiệm Trưởng ban Đối ngoại và tổ chức trong nội bộ để đấu tranh bảo vệ Phật giáo”. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp cúi đầu, chắp tay xá "Mô Phật".

    Lúc này phong trào biểu tình của Phật giáo ngày càng nổ ra nhiều hơn. Ngày 21-5-1963, Hòa thượng Thích Tịnh Khiết ra giáo lệnh Phật tử toàn quốc tổ chức lễ cầu siêu cho nạn nhân bị sát hại ở Huế. Ở Sài Gòn, các cuộc rước linh, cầu siêu đã biến thành những cuộc biểu tình quy mô lớn. Hành trình biểu tình bắt đầu từ chùa Ấn Quang và kết thúc ở chùa Xá Lợi. Đoàn người biểu tình kéo dài cả cây số với những biểu ngữ nêu rõ các yêu cầu chính đáng của Phật giáo và đặc biệt là bản tuyên ngôn năm điểm.

    Tăng Ni, Phật tử biểu tình chống kỳ thị tôn giáo - Ảnh tư liệu

    Tăng Ni, Phật tử biểu tình chống kỳ thị tôn giáo - Ảnh tư liệu

    Buổi tối trước ngày rước linh biểu tình, đô trưởng Sài Gòn - Chợ Lớn Nguyễn Phú Hải, đổng lý văn phòng phủ tổng thống Quách Tòng Đức và một vị quận trưởng tìm đến chùa Ấn Quang để ra lệnh ngưng biểu tình. Hòa thượng trị sự Thích Thiện Hòa cáo mệt, không tiếp khách.

    Đại đức Thích Đức Nghiệp cương quyết nói với đại diện chính quyền: “Hòa thượng bệnh không ra tiếp được. Nhưng một mình Hòa thượng cũng không thể quyết định. Việc quan trọng này phải triệu tập đủ Ban Trị sự Phật giáo. Vậy chúng tôi xin gửi bản tuyên ngôn năm điểm của Phật giáo Việt Nam để trình ngài tổng thống”.

    Ba vị đại diện chính quyền ngồi lì suốt từ 21g-0g vẫn không lay chuyển được các nhà sư nên hậm hực bỏ về. 6g sáng hôm sau, cuộc rước linh từ chùa Ấn Quang đã trở thành cuộc biểu tình rầm rộ đến 10g sáng mới kết thúc ở chùa Xá Lợi.

    Ông Nguyễn Văn Thông, cảnh sát đặc biệt đặc trách theo dõi hoạt động biểu tình lúc đó nhưng lại có thiện cảm với Phật giáo, kể chi tiết: “Sau cuộc rước linh đầu tiên, Phật giáo Sài Gòn tiếp tục tổ chức nhiều hình thức biểu tình khác và thu hút được sự tham gia của dân chúng. Trong đó có cuộc tuyệt thực của Phật tử biến thành biểu tình rầm rộ ở trung tâm Sài Gòn”.

    Sáng đó, các Tăng Ni xuất phát từ chùa Từ Nghiêm và Ấn Quang trên tám chiếc xe đò lớn đi qua các đường phố rồi tiến thẳng đến trung tâm Sài Gòn. Hòa thượng Đức Nghiệp tổ chức mỗi xe có hai nhà sư trong ban tổ chức ngồi cạnh tài xế để dẫn đường biểu tình và ngồi sau để trấn an Tăng Ni. Rất nhiều dân chúng và Phật tử thành phố nhanh chóng hòa vào cuộc biểu tình...

    Lực lượng cảnh sát được báo động toàn đô thành nhưng vẫn không dập được cuộc biểu tình. Cuối cùng, các Tăng Ni kết thúc biểu tình để về chùa Xá Lợi tiếp tục tuyệt thực. Trong số những người biểu tình bất bạo động này có Bồ-tát Thích Quảng Đức. Trước thế cuộc ngả nghiêng, Phật giáo có nguy cơ tiêu vong, ngài đã âm thầm viết tâm thư nguyện được vị pháp thiêu thân...

    __________

    Đó là một nhà sư gầy gò với đôi mắt nhân hậu, bao dung. Đời tu hành của ngài là một huyền thoại lặng lẽ...

    Kỳ 2: Một huyền thoại lặng lẽ

    Quốc Việt/Theo TTO

    Chia sẻ:
    Bài viết khác:
    Zalo
    Hotline