Kỷ niệm lễ Vesak lần thứ 4 tại Nhà Trắng vào ngày 23-5
Truyền thống này được khởi xướng bởi chính quyền của Tổng thống Joe Biden. Đây không chỉ là một sự kiện tôn giáo mà còn là một biểu tượng của sự đa dạng và hòa hợp văn hóa.
Lễ kỷ niệm Vesak diễn ra vào ngày 23-5, được chủ trì bởi Đệ nhị phu quân Hoa Kỳ Douglas Emhoff, phu quân của Phó Tổng thống Kamala Harris cùng sự tham dự của các vị đứng đầu ba truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, Đại thừa và Kim cương thừa; đại sứ và đại diện các Đại sứ quán của Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Mông Cổ, Nepal, Singapore, Sri Lanka và Thái Lan.
Trong bài phát biểu khai mạc, ông Emhoff nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các liên minh và sự đoàn kết giữa các cộng đồng tôn giáo, văn hóa khác nhau. Ông chia sẻ: “Điều quan trọng là chúng ta nên xây dựng những mối liên kết với nhau. Chúng ta đến với nhau không những để kết nối, thấu hiểu và tin tưởng lẫn nhau, mà còn là để loại bỏ sự thù hằn trong tâm mỗi người. Bởi vì cách tốt nhất để chống lại sự thù hằn là làm điều gì đó cùng nhau”.
Đệ nhị phu quân Hoa Kỳ Douglas Emhoff phát biểu
Wangmo Dixey, Chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Quốc tế Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Đại học Pháp ở Berkeley, California, đã nhấn mạnh rằng lễ kỷ niệm này là một khoảnh khắc đầy ý nghĩa: “Khoảnh khắc này có ý nghĩa rất sâu sắc đối với tất cả chúng ta. Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp và trí tuệ của truyền thống Phật giáo ở thủ đô Hoa Kỳ mà còn chứng minh rằng nhiều cá nhân đang dần áp dụng những lời dạy của Đức Phật trong lối sống hàng ngày của mình.” Bà Dixey cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của buổi thắp nến và coi đó là một biểu tượng của hy vọng và khả năng mang lại hòa bình.
Roger Rosner, Giám đốc điều hành cấp cao tại Apple, cũng chia sẻ về sự liên quan của giáo lý Phật giáo trong thế giới hiện đại. Ông Rosner cho biết: “Hôm nay tôi rất phấn khởi khi thấy trí tuệ, đạo đức và các phương pháp thực hành theo lời dạy của Đức Phật đã lan rộng khắp nước Mỹ. Các giáo lý Phật giáo đang được chấp nhận trong trường học, trung tâm thiền định và gia đình đã mang lại lợi ích cho nhiều người”.
Tổng thống Joe Biden
Tổng thống Joe Biden đã đưa ra một tuyên bố chính thức ghi nhận những đóng góp của Phật tử đối với xã hội Mỹ: “Jill và tôi xin gửi lời chúc nồng nhiệt đến các Phật tử ở Hoa Kỳ và trên toàn thế giới khi mọi người đang cử hành lễ Vesak. Chúng ta phải công nhận rằng những Phật tử Mỹ đã đóng góp rất nhiều cho cộng đồng và đất nước của chúng ta. Vesak là thời gian để suy ngẫm về những lời dạy của Đức Phật, bao gồm sự cần thiết để hành động vì hòa bình và công lý, cũng như trau dồi sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn khi chúng ta cùng nhau hướng tới một tương lai tươi sáng hơn”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony J. Blinken cũng nhấn mạnh sự đa dạng và tự do tôn giáo trong một tuyên bố riêng: “Chúng tôi ghi nhận những đóng góp của các cộng đồng Phật giáo trên khắp Hoa Kỳ, điều này cũng chứng minh rằng sự đa dạng tôn giáo đã củng cố quốc gia của chúng ta qua nhiều thế hệ. Hoa Kỳ cam kết đảm bảo Phật tử được tự do cử hành lễ Vesak theo truyền thống và phương thức của họ”.
Lưu niệm tại buổi lễ
Theo dữ liệu năm 2020 từ công ty phân tích Gallup, Phật tử chiếm 1% dân số Hoa Kỳ với gần 335 triệu người. Mặc dù phần lớn Phật tử Mỹ là người gốc Á nhưng truyền thống tâm linh này đã lan rộng và được đón nhận trên toàn quốc, đại diện cho sự hòa nhập và tôn trọng lẫn nhau trong một xã hội đa dạng.
Phổ Tịnh tổng hợp/Báo Giác Ngộ