Nhiều người trí thức khi đến với đạo Phật thường dành rất nhiều thì giờ để tìm hiểu, bàn luận suông về các vấn đề trừu tượng, tâm lý, triết lý xa vời, mà quên rằng đạo Phật là một lối sống, một con đường để ta áp dụng tu tập trong đời sống hằng ngày.
Trong mười đệ tử lớn của đức Phật, tôn giả Rahula là một nhân vật đặc biệt. Chúng ta hãy một lần nhìn vào cuộc đời học đạo và hành đạo của tôn giả Rahula để thấy rõ đức tính của Ngài qua lời tán thán của đức Phật:
“Thầy là đệ tử Như Lai mong cầu
Oai nghi, tế hạnh hàng đầu
Mật hạnh đệ nhất ai đâu sánh cùng!”
Theo những tư liệu được tìm thấy trong Dictionary of Pāḷi proper names, “Rahula là con trai duy nhất của thái tử Siddhārtha và công chúa Yasodhara, là cháu nội của vua Suddhodana và hoàng hậu Mahamaya. Rahula sanh đúng vào ngày mà cha của ngài quyết định rời bỏ đời sống gia đình, thoát ly thế tục, xuất gia tìm đạo giải thoát”.
Sự kiện Rahula chào đời trở thành một mối ràng buộc chí nguyện xuất gia tìm đạo giải thoát của Siddhārtha. Vậy nên, Siddhārtha mới than rằng: “Một Rahula đã ra đời, lại thêm một sợ dây trói buộc!” Do đó vua đặt tên cho cháu nội là Rahula” .
Hoàng tử Rāhula sống với tuổi thơ thiếu đi tình thương của cha, nhưng bù lại Ngài được sự chăm sóc chu đáo và yêu thương hết mực của mẹ và ông nội. Thái tử Siddhārtha xuất gia trải qua sáu năm tu khổ hạnh trong rừng già. Dưới cội bồ-đề, Bồ tát chiến thắng nội ma, ngoại cảnh chứng ngộ được chân lý thành Phật hiệu là Sakyanmuni. Lúc đó Ngài ba mươi lăm tuổi.
Bằng tuệ giác của bậc chứng ngộ, Đức Thế Tôn đã đem niềm an lạc vô biên cho chư Thiên và nhân loại. Rāhula chưa từng gặp cha cho tới năm 7 tuổi khi Đức Phật trở về thăm Kapilavatthu lần đầu tiên sau giác ngộ. Khi đó, mẹ của Rāhula đã gửi Rāhula tới Đức Phật bằng những lời nói: “Look, dear, at that monk, attended by thousand monks, and glorious in appearance as the Archangel Brahma! That is your father. He had certain great treasures, which we have not seen since he abandoned his home. Go now, and ask for your inheritance” .
Rāhula đến gặp Đức Thế Tôn: “Này vị Sa-môn, bóng che của Ngài thật an lạc. Sau đó, Đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Khi ấy, hoàng tử Rāhula đã theo sát phía sau của Đức Thế Tôn: - Này vị Sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Này vị Sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Khi ấy, Đức Thế Tôn đã bảo Đại Đức Sārīputta rằng: - Này Sārīputta, như thế thì ngươi hãy cho hoàng tử Rāhula xuất gia”.
Sariputta hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy từ đó trở đi Rahula trở thành vị sa di đầu tiên trong tăng đoàn Đức Phật. Sariputta là vị thầy giáo thọ truyền dạy kiến thức và giáo pháp và ngài Maha Moggallana là vị thầy yết ma truyền giới luật của Rahula. Rahula là một cậu bé có ý chí khác thường, có lối sống, cách suy nghĩ không giống những đứa trẻ thường tình.
Trong Đại Phật Sử nói rằng: “Mỗi buổi sáng, Rahula dậy thật sớm, ra ngoài bốc một nắm cát, tung lên và nguyện rằng: Cầu mong cho tôi có được những lời giáo giới từ Đức Thế Tôn hoặc từ thầy tế độ của tôi nhiều như số cát này” . Chính vì thế mà Rahula nổi tiếng là “vị sa-di thích lời sách tấn”. Sự siêng năng, ham muốn học tập trong tâm một vị sa-di 7 tuổi như thế này là điều không phải ai cũng có, quả thật hạt giống thánh đã có sẵn trong tâm thức của Rahula. Ấy thế mà hiện nay nhiều sách và tài liệu lịch sử được viết nên với một hình ảnh của Sadi Rahula với bản tính giải đãi, thích chọc ghẹo các thầy Tỳ kheo khác, ỷ thế là con của đức Phật nên quậy phá, nghịch ngợm. Các chi tiết trong Phật và Thánh chúng, Thập đại đệ tử viết về Rahula không có nguồn gốc, các nhận định không có căn cứ, lấy tâm lý phàm nhân bình thường áp đặt cho một bậc thánh, làm giảm đi những phẩm hạnh cao quý của ngài. Các tác giả nêu trên tạo lỗi lớn vì viết sai lịch sử, xúc phạm bậc thánh, gây hiểu lầm dài dài về sau khi người đọc tiếp xúc với các tác phẩm này. Sau khi Rāhula xuất gia, Đức Phật thường xuyên quan tâm, chỉ dạy Rāhula. Đức Phật thuyết giảng cho Rāhula hạnh chân thật qua bài kinh giới Rāhula ở rừng Ambala: “Thế Tôn sau khi rửa chân để một ít nước còn lại trong chậu nước, bảo Tôn giả Rahula: - Cũng ít vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.” Thế Tôn đổ đi chút ít nước còn lại, lật úp chậu nước, lật ngửa trở lại chậu nước khuyên dạy Rāhula những vị sa môn nói láo, không có tàm quý cũng đổ đi, lật úp, trống không như thế: “Cũng đổ đi vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý. Rồi Thế Tôn lật úp chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rāhula…Cũng lật úp vậy, này Rāhula, là Sa-môn hạnh của những người nào biết mà nói láo, không có tàm quý.Rồi Thế Tôn lật ngửa trở lại chậu nước ấy và bảo Tôn giả Rāhula… Do vậy, này Rāhula, "Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi", này Rahula, Ông phải học tập như vậy…”
Với những ví dụ đơn giản nhưng ẩn trong đó những lời dạy sâu sắc dễ hiểu, Đức Thế Tôn giúp Rahula hiểu được mục đích việc thực hành hạnh chân thật như thế nào. Bởi chân thật là điều cốt yếu của người xuất gia cũng là giới thứ tư nằm trong những giới căn bản không nói dối, nói láo được xem là phi sa môn hạnh, khiến sa môn hạnh trở nên kém cỏi, bị đổ bỏ, bị lật úp, trở thành trống rỗng. Đức Phật lấy những ví dụ gần gũi, dễ hiểu, phù hợp với trình độ nhận thức ở lứa tuổi của Rāhula để chỉ dạy. Từ hình ảnh con voi ra trận không bảo vệ cái vòi, quăng bỏ mạng sống của mình, không việc ác gì nó không làm, Đức Phật dạy Rāhula người nói dối cũng không có việc ác gì không làm. Bài giáo giới đầu tiên không được nói dối Sadi Rāhula đón nhận, vâng giữ sẽ góp phần làm tròn đầy phẩm hạnh của sa môn Rāhula sau này. Trong bài kinh, Đức Phật còn dạy Rāhula muốn làm một việc từ thân, suy xét biết việc đó thiện nên cố gắng làm, việc bất thiện nhất định không làm; đang làm một việc thiện tiếp tục làm, việc bất thiện quyết từ bỏ; làm xong một việc quán xét việc đó thiện tự mình tinh tấn tu học ngày đêm trong các thiện pháp, nghiệp bất thiện đưa đến khổ đau cần phải tỏ lộ, sám hối. Cũng vậy, Đức Phật dạy Rāhula quán xét với khẩu nghiệp, ý nghiệp… “Này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tinh hóa thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tinh hóa khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần, tôi sẽ tinh hóa ý nghiệp… Như vậy, này Rahula,Ông cần phải tu học”.
Sự suy tư nhất quán trước, trong và sau mỗi ý nghĩ, lời nói, việc làm sẽ đoạn trừ ba nghiệp xấu dẫn đến tổn hại cho bản thân và người khác, đồng thời phát khởi, duy trì, tăng trưởng thân, khẩu, ý thanh tịnh. Rāhula chăm chú nghe những lời dạy của Đức Thế Tôn và nghiêm trì thực hành. Sau này, bài kinh được vua Asoka khắc vào bia đá cùng một số bài kinh khác để các tỷ kheo, tỷ kheo ni, cận sự nam, cận sự nữ tụng đọc và thực hành: “…The advice to Rāhula, beginning with the subject of falsehood (Lāghulouāde musāvādam adhegidha) – spoken by the Venerable Buddha-these, Reverend Sirs, I (Asoka) desire that many monks and nuns should frequently hear and meditate; and that likewise the laity, male and female, should do the same”.
Thứ đến đức Phật dạy Rahula rằng:“Này Rahula ông nghĩ thế nào, mục đích của cái gương là gì? Bạch Thế Tôn, mục đích là để phản tỉnh. Cũng vậy này Rahula, sau khi phản tỉnh nhiều lần, hãy hành thân nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành khẩu nghiệp. Sau khi phản tỉnh nhiều lần hãy hành ý nghiệp.”
Chiếc gương thường dùng để phản chiếu gương mặt nếu thực hành việc làm, lời nói thiện lành tâm chúng ta hoan hỉ gương mặt sẽ trở nên tươi cười vui vẻ. Còn nếu tâm sân si thù hận, ganh gét đố kị soi gương nhìn sẽ thấy gương mặt u ám buồn rầu, cũng vốn như tâm nếu hàng ngày được soi sáng tu tập trừ bỏ phiền não tham, sân, si tâm Phật dần hiển bày ví như chiếc gương được lau chùi. Tâm chúng ta không chịu quán xét hàng ngày để cho phóng dật, phiền não chướng, các pháp bất thiện nảy sinh ví như chiếc gương không được lau chùi sạch sẽ thì khi soi sẽ không thấy rõ mặt vậy.
Rāhula rất ham học, luôn mong muốn nhận được sự chỉ dẫn từ những người thầy của mình. Hạnh vâng lời, sự ưa thích học hỏi đó của Rāhula được các vị tỷ kheo khen ngợi.
Trước khi Đức Thế Tôn chế giới tỷ kheo không được ngủ cùng người chưa thọ đại giới, các tỷ kheo vì kính trọng Thế Tôn, vì mến hạnh tha thiết học tập của Rāhula, đã tiếp đón tôn giả vào phòng của mình. Nhưng khi giới được đặt ra, các tỷ kheo sợ vi phạm nên không cho Rāhula chỗ ở.“Hiền giả La-hầu-la không đi đến Thế Tôn là phụ thân của mình, cũng không đi đến Xá-lợi-phất là vị Tướng quân Chánh pháp và là giáo thọ sư của mình, cũng không đi đến Ðại-mục-kiền-liên là bậc sư trưởng của mình, lại đi vào phòng vệ sinh của Thế Tôn... Hiền giả La-hầu-la chỉ vì các Tỷ-kheo bảo tìm lấy chỗ ở, chỉ vì tôn trọng lời khuyên bảo, vì muốn học tập nên trú chỗ ấy” . Từ một vị hoàng tử nhỏ được bao bọc trong hoàng cung vương giả trở thành tu sĩ sống giản đơn, tri túc, Rāhula hài hòa, nhu thuận trong tăng chúng, thêm nữa không có chỗ ngủ, Rāhula cũng không phàn nàn, đòi hỏi: “Thưa các Hiền giả, hãy xem La-hầu-la tha thiết học tập như thế nào. Khi được hỏi chỗ ở của mình, La-hầu-la không nói: Ta là con Ðức Thế Tôn. La-hầu-la không chống đối một Tỷ-kheo nào” .
Đức Phật hỏi Rāhula nguyên do ngủ trong nhà vệ sinh, Rāhula trả lời “vì nghĩ rằng đây là chỗ không va chạm một ai, nên con nằm ở đây” .
Thật kính phục trước sự khiêm cung tột cùng, sự tôn trọng và nghiêm trì giới luật của một vị sa di nhỏ tuổi. Đức Phật xúc động mạnh vì chánh pháp và nhắc nhở các bậc trưởng lão phải quan tâm đến những người trẻ mới xuất gia và Đức Phật chế thêm điều khoản phụ: Tỷ kheo được phép cho người chưa thọ đại giới ở chung một hay hai ngày đến ngày thứ ba, cho họ ở ngoài, sau khi biết chỗ ở của họ.
Ngoài ra, Đức Phật dùng hình ảnh đất để dạy cho Rahula, nơi nuôi sống vạn vật từ đất sinh ra chết cũng lại trở về với đất, đất có thể dung chứa tất cả nên gọi đại địa chúng ta đổ tất cả mọi thứ trên đất, thậm chí dẫm đạp, hay nơi ẩn chứa, vàng, bạc, than hay những thứ quý hiếm. Lại nữa, Đức Phật dạy hãy tu tập như nước rửa sạch hét cấu uế, tu tập như gió thổi bay hết những thứ dơ bẩn, hãy tu tập như lửa đốt hết những thứ bất tịnh, tu tập hạnh như hư không không bám víu chỗ nào...
Bằng hình ảnh ẩn dụ lấy đất để dạy dỗ hàng đệ tử học theo hạnh của đất như hạnh nhẫn nhục, chịu đựng, hay học hạnh như gió, lửa, nước và hư không bao dung trưởng dưỡng đạo tâm điều phục tâm ý của mỗi hành giả tu tập. Lời dạy này không chỉ dành riêng cho tôn giả Rahula mà dành cho tất cả mọi người học hạnh của đất để phát tứ vô lượng tâm, buông bỏ thị phi, chuyển hóa thân tâm phát khởi đức tính cao thượng từ bi và trí tuệ ai cũng có khả năng tu tập ấy để rọi soi tâm mình điều chỉnh kiện toàn ngày một hoàn thiện hơn.
Cho nên đất, nước, gió.... muôn đời là tấm gương cao quý cho mỗi người học theo, một con đường thênh thang cho một tâm hồn tràn đầy lý tưởng. Đức Phật dạy Rahula tiếp: “Này Rahula ví như người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy này Rahula hãy tu tập như đất”.
Tiếp đến những lời dạy trong các bài kinh giáo giới Rahula vâng giữ giới luật do Đức Phật chế định cũng đã nói lên nếp sống đạo đức của một người xuất gia.
Bên cạnh đó Rahula thường xuyên bị các thầy tỳ kheo lớn hơn thử thách điều đó càng thấy được sự kham nhẫn của Rahula không có chống cự lại mà rất hoan hỉ cũng như không có tâm kiêu mạn. Trong Tiểu Bộ Kinh có đề cập: “Thỉnh thoảng các tỳ kheo thấy tôn giả từ xa đến, vì mục đích thử thách thường quăng bên ngoài các cán chổi hay một ít rác, chờ khi La Hầu La đi đến, liền hỏi: Hiền giả ai quăng đổ rác này? Khi được nghe chính La Hầu La đi qua đường này La Hầu la không nói: Thưa tôn giả, tôi không biết việc này trái lại La Hầu La thường dọn rác ấy đi, khiêm tốn xin lỗi, sau khi được tạ lỗi mới đi. Vì mong muốn học tập như vậy mà La Hầu La mới mong muốn trú tại chỗ ấy”.
Nghe xong Đức Thế Tôn hỏi Rahula: “Rahula, con rời khỏi hoàng cung, tới sống trong tăng đoàn, vì mục đích nhận sự cúng dường tối thắng phải không?”.
Rahula bạch Đức Phật: “Dạ không phải, thưa Thế Tôn. Con tới để học đạo tu tập”. Lần khác cũng trong lúc đi khất thực tôn giả Rahula đi khất thực cũng bị hành hung chảy máu đầu, Sariputta khuyên Rahula rằng: “Này Rahula là đệ tử Phật, phải có tinh thần nhẫn nhục. Khi bị người khác nhục mạ, đừng ôm lòng sân hận, phải lấy lòng bi cảm thương người ấy”. Tiếp thu và lắng nghe lời dạy của thầy mình Rahula hoan hỉ lặng lẽ đi rửa vết thương rồi trở về tịnh xá. Qua sự việc đó, Rahula được Đức Phật khen ngợi và khích lệ: “Có thể chịu đựng được những điều tồi tệ thì mới có được bình an, mới tiêu trừ được tai họa. Người không biết nhẫn nhục thì không thấy được Phật, là quay lưng lại với Pháp, là quay lưng lại với Tăng. Pháp nhẫn nhục là món tăng thượng duyên hỗ trợ cho việc tu tập, có thể khiên cho con sớm ngày chứng được thánh quả”.
Đức Phật còn nói cho các tỷ-kheo biết rằng: “Không phải nay Rahula mới tha thiết học tập, mà trước kia khi làm bàng sanh, Rahula đã tha thiết học tập như vậy”.
Kiếp trước, Rahula là một con nai cháu, nhờ siêng năng, “không quên lời nai cậu nói, nó đến đúng giờ và học sự khôn ngoan của loài nai”.
Vì thế, khi bị bắt trong bẫy sập, nai con đã giả chết để đánh lừa người thợ săn và thoát chết. Thế Tôn lại tán thán Rahula không phải nay mới ham học, thuở trước cũng đã như vậy. Trong pháp đường, khi các tỳ-kheo tán thán Rahula là người tinh cần, cẩn trọng và nhẫn nhục. Đức Phật đã xác nhận rằng: “không chỉ nay mà xưa Rahula đã có các đức tính này”. Kiếp trước, Rahula từng làm con chim đa đa, bị người bẫy chim bắt làm chim mồi để nhử những con khác. Chim đa đa tự nghĩ: “Do ta mà đồng loại phải lâm vào cái chết, về phần ta, đây là một hành vi độc ác”. Vì thế nó không kêu nữa. Khi bị ông chủ đập vào đầu, đau quá chim đa đa phải kêu lên. Nó lại nghĩ: tuy không có ý định xấu nhưng vì tiếng kêu của nó, những con chim kia mới đến và bị bắt giết, hành động như thế là có tội hay không? Nhân duyên gặp được vị Bồ tát, chim đa đa đã đọc kệ, nhờ bậc trí giả giải nghi.
Bậc Đại sĩ khai thị:
“Nếu tội không ẩn trì lòng bạn,
Thì hành vi sẽ chẳng tội hình,
Kẻ nào thụ động phần mình,
Thoát bao tội lỗi trở thành thong dong”.
Nhờ vậy con chim ấy không còn bị ray rứt, ân hận nữa. Con chim ấy chính là Rahula, trong nhiều kiếp đã từng rất tinh cần, cẩn trọng và nhẫn nhục trong từng hành vi của mình. Hơn thế nữa Tôn giả Rahula cũng là một người con hiếu thảo. Trong chuyện trái xoài chính trung, tiền thân Abkhantara. Sadi Rāhula thường đến thăm Yasodhara lúc bà đã gia nhập ni đoàn. Một lần, Rāhula đến nhưng không gặp được mẹ, bà mắc chứng đau bụng đầy hơi nằm bên trong. Để chữa bệnh cho mẹ cần dùng nước xoài pha đường, Rāhula đến xin Sariputta kiếm thứ nước đó. Sariputta dẫn Rāhula vào cung vua Kosala khất thực nước xoài đem về cho Rāhulamāta. Vua Pasenadi tìm hiểu tại sao nước xoài lại cần như vậy, sau đó vua sắp xếp cúng dường đều đặn cho bà. Nhờ nước ép xoài, Rāhulamāta khỏi bệnh. Rāhula luôn quan tâm, thăm hỏi mẹ, thể hiện sự hiếu hạnh của người con.
Một câu chuyện khác, câu chuyện chúa chim ưng kể lại rằng: Vào thời vua Brahmadatta trị vì thành Balanại, có nhiều người vào rừng săn mồi nhưng không kiếm được gì, để tránh bị ruồi muỗi chích, họ nhóm lửa, hun khói. Không ngờ, nghe tiếng con chim non của đôi chim ưng kêu lên. Họ đốt lửa cao hơn, muốn bắt và ăn thịt bằng được chim ưng. Vợ chồng chim ưng đi tìm đại bàng chúa giúp đỡ. Đại bàng chúa giúp đến kiệt sức, da trầy xơ xác, đôi mắt rướm máu mà vẫn không cứu được. Vợ chồng chim ưng đến tìm rùa, cầu xin giúp đỡ. Rùa cha đồng ý. Rùa con, tiền thân của Rahula nghe được câu chuyện, chú không muốn cha phải nhọc sức, liền lãnh phần thay cha.
Chú ngâm kệ:
“Xin cha an dưỡng hỡi cha thân,
Việc của cha con sẽ lãnh phần.
Con phụng sự cha là tốt nhất,
Con đi cứu cả tổ chim bằng”.
Kiếp trước, Rahula đã biết làm việc thiện, giúp đỡ, bảo vệ những loài vật cùng chung sống với mình trước mối đe dọa sự sống của kẻ khác. Đồng thời, chú là tấm gương sáng cho lòng hiếu thảo của người con đối với cha, sẵn sàng hy sinh, chịu phần vất vả thay cha. Ngay từ bé, Rahula đã có tâm thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ người cùng cảnh ngộ với mình.
Từ những dẫn chứng trên đã giúp chúng ta hiểu thêm về tính cách, hiếu hạnh và đặc biệt là mật hạnh của Rahula. Thật đáng kính, đáng học tập! Năm 18 tuổi, nhân dịp một tư tưởng luyến ái phát sanh liên quan đến thân hình đẹp đẽ của mình, Rahula được nghe một bài pháp hình thành các đề tài thiền định giúp ngài thoát khỏi chấp tướng, chấp pháp. Trong lúc đi khất thực cùng Đức Phật, Rahula chiêm ngưỡng dung nhan Đức Thế Tôn và nghĩ rằng thân hình của mình cũng đẹp như cha mình. Khi đó, Đức Phật đọc được tư tưởng bất thiện ấy, ngài dạy Rahula rằng: “Bất luận hình dáng đẹp đẽ hay xấu xa, hay thế nào đi nữa, cũng phải được quán sát: Cái này không phải của ta; cái này không phải là ta; cái này không phải là linh hồn cuả ta”. Không chỉ quán chiếu đối với riêng hình thể mà phải xem tất cả năm uẩn đều như vậy. Rồi Thế Tôn dạy Rahula cách quán chiếu ngũ uẩn là vô ngã. Ngài dạy rằng: “Bất cứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ: Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Ngay khi đó, Rahula quyết định không vào làng khất thực mà về ngồi dưới một gốc cây để hành thiền, lập tức quán chiếu những lời dạy đó.
Tôn giả Sariputta thấy vậy, ngài khuyên Rahula tu tập nhập tức xuất tức niệm, vì pháp môn này làm cho sung mãn, được quả báu lớn, được lợi ích lớn. Rahula đã làm theo và chiều hôm đó ngài đã đến hỏi Thế Tôn về pháp môn này. Từ hành động đó chúng ta thấy rằng, Rahula rất ngoan ngoãn vâng lời các bậc thầy của mình. Dù được Phật dạy pháp vô ngã nhưng khi được thầy tế độ khuyên nên tu nhập tức xuất tức niệm để được lợi ích lớn. Rahula chỉ im lặng, thực hành theo rồi sau đó đi đến bạch Phật xin được giải thích về pháp môn này. Đây chính là biểu hiện của mật hạnh. Rahula không chống đối, cũng không nói lại, không thưa rằng “Phật dạy con pháp vô ngã”, “con đang thực hành pháp vô ngã”.
Rahula chỉ im lặng vâng lời thực hành. Ngay nơi hành vi ấy, ta thấy rằng Rahula đã vô ngã với chính mình và vô ngã với các pháp. Rahula không vì bài pháp Phật dạy mà xem nhẹ lời dạy của vị thầy tế độ, cũng không phân cao thấp giữa pháp vô ngã và pháp niệm hơi thở. Đây chính là cốt lõi của sự thực tập.
Pháp hiển hiện sống động ngay trong đời sống của chúng ta, không phải khi nào thấy tâm mình tham, tâm mình chấp, khi đó ta mới thực tập vô ngã, bởi vô ngã chính là “thực tại đang là”, không cố gắng, không gượng ép, như thế pháp ấy mới chính thực là nó.
Hành động này càng cho chúng ta thấy mật hạnh tu tập rất sâu kín, vi tế của Rahula. Từ khi Rāhula xuất gia thọ giới, Đức Phật dạy Rāhula nhiều bài kinh về bản chất phù du của vạn vật, về sau được ghi lại trong Tương ưng bộ, chương Tương ưng Rāhula. Rāhula luôn trân trọng, lắng nghe và thực hành cẩn thận những lời dạy đó. Khi biết tâm trí Rāhula đã thuần thục các pháp để đạt được sự thành tựu cuối cùng, Đức Thế Tôn thuyết giảng Tiểu giáo giới Rahula: “- Này Rahula, Ông nghĩ thế nào? Con mắt là thường hay vô thường? - Bạch Thế Tôn, là vô thường. - Cái gì vô thường là khổ hay lạc? - Bạch Thế Tôn, là khổ. - Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, thời có hợp lý chăng khi quán cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?" - Thưa không vậy, bạch Thế Tôn.”.
Cũng như thế, với các giác quan khác, với các đối tượng của giác quan; các loại xúc giác và các loại thức, Đức Thế Tôn dạy Rāhula quán vô thường, khổ, vô ngã để yếm ly các pháp ấy. “Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát... Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Rahula, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của Tôn giả Rahula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ”.
Thời khắc thiêng liêng, người con trai của Đức Phật được trao gia tài Pháp bảo, chứng đắc A-la-hán bậc sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, các việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa. Sau đó, trong hội chúng, Đức Phật tuyên bố: “Trong các đệ tử Tỷ-kheo của Ta, ưa thích học tập, tối thắng là Rāhula”. Rahula sống đời sống xuất gia phạm hạnh thinh lặng với danh xưng “mật hạnh đệ nhất”, tôn giả luôn tinh tiến tu tập và sách tấn rằng: “Sở dĩ có cây sa la phát triển sung mãn, xanh tốt, thân cây chọc thủng trên trời cao một trăm hắc tay, xòe tán rộng vững chãi, cành nhánh to mạnh, lá xanh tốt tươi, là vì rễ nó đâm sâu trong lòng đất, vươn dài trong đất đến một trăm hắc tay”. Bậc phạm hạnh tu tập cũng vậy muốn đạt được thánh quả cao siêu thì cũng phải đâm sâu vào lòng đất ấy. Đấy chính là ở nơi chỗ thanh vắng, có đức tin, nội tâm trong sạch và an tĩnh vậy.
Rahula có hạnh im lặng đối với các bậc tôn giả trong tăng đoàn tôn giả rất khiêm cung tôn trọng mọi người. Mặc dù, trong sự nghiệp giáo hóa của tôn gỉả ngoài bốn bài kệ trong Trưởng Lão Tăng Kệ thì không có chi tiết nào trong Kinh tạng Nikaya nói về việc thuyết pháp, giáo hóa Tăng chúng hay đàm đạo với ngoại đạo. Bởi có lẽ đó chính là mật hạnh của Ngài vì Ngài là con của Như Lai nên không muốn thể hiện sợ đại chúng sẽ so sánh hay sinh tâm đố kỵ. Tuy nhiên, khép mình khiêm cung âm thầm lặng lẽ tu tập nhưng Rahula được Đức Phật ngợi khen vào hàng đệ tử tối thắng về phẩm hạnh và trí tuệ. “Hạnh tu tập của tôn giả Rahula chỉ có Đức Phật mới biết được, hội Pháp Hoa, Rahula được Đức Phật thọ ký hiệu là Đạo Thất Bảo Hoa Như Lai”.
Cuối cùng khi sinh đã tận, phạm hạnh đã lập tôn giả Rahula nhập Niết Bàn nhưng trong kinh tạng Nikaya không có nói nói rõ ngày tháng, năm nào chỉ có trong Buddhist Legends chép rằng: “When he is 20 years old, Rahula fully ordains as a monk inSaravatthi Rahulas death receives little attention in the earliest sources. Rahula dies before the Buddha and his teacher Sariputra do”.
Trong Dictionary of Pāḷi proper names còn nói rằng, trong suốt 12 năm Rahula không bao giờ nằm ngủ trên giường. Khoảng hơn 200 năm sau khi Phật niết bàn, vua Asoka đã cho xây một tháp lớn để vinh danh tôn giả Rahula cũng như công hạnh của ngài . Điều đặc biệt, tháp này được những người mới tập sự xuất gia tôn thờ, tưởng niệm và coi đó như một mẫu hình, một tấm gương sáng cho sự tu hành của mình. Trong kinh sử không thấy ghi lại việc Rahula thuyết pháp hay nghị luận với ngọai đạo. Chỉ biết, đúng như lời Thế Tôn nói, Rahula là người rất nghiêm túc trong việc giữ gìn tế hạnh, giới luật, là một vị mật hạnh đệ nhất.
Nhiều người trí thức khi đến với đạo Phật thường dành rất nhiều thì giờ để tìm hiểu, bàn luận suông về các vấn đề trừu tượng, tâm lý, triết lý xa vời, mà quên rằng đạo Phật là một lối sống, một con đường để ta áp dụng tu tập trong đời sống hằng ngày. Chúng ta hãy một lần nhìn vào đức hạnh, phẩm chất tu tập của tôn giả Rahula. Mỗi hành xử của ngài là một bài học vô giá mà chúng ta thực hành cả cuộc đời chưa chắc đã trọn vẹn. Sự im lặng của ngài chính là bài pháp vi diệu nhất. Cách ứng xử của ngài là pháp hành tối thắng nhất. Đặc biệt, sự có mặt của ngài không còn là chướng ngại trói buộc con đường xuất gia giải thoát của Phật mà trở thành trợ duyên thôi thúc Phật xuất gia tìm đạo giải thoát. Không có gì tuyệt vời hơn thế nữa. Đó là một hình mẫu luôn thôi thúc, nhắc nhở chúng ta phải cố gắng nỗ lực tu tập. Chính từ tấm gương của ngài giúp chúng ta nhận ra rằng, tu không có nghĩa chấp chặt vào việc tôi tụng kinh nhiều, ngồi thiền lâu hay trì chú giỏi, chúng ta hãy đi sâu vào trong tâm của chính chúng ta. Hãy học “sự im lặng của bậc Thánh” không cần nhiều lời, mà hương thơm của đức hạnh vẫn lan tỏa khắp muôn phương. Chúng ta cần phải cảm ơn mọi nhân duyên xảy ra trong cuộc đời này đều là chất liệu để tôi luyện ý chí, sự kiên cường, bền chí cho chính ta trên con đường đi đến chánh giác. Dù là thiện hay bất thiện pháp cũng đều là chất liệu cho ta tu tập, thành tựu quả vị. Đừng cho rằng bản thân là một vị Tỳ-kheo, là “thiên nhân chi đạo sư” mà ỷ lại, buông lung. Trước hết hãy bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất ngay trong hiện tại, phải biết tôn trọng mọi người và tạo ra sự an lạc cho họ; lấy hạnh phúc của mọi người làm hạnh phúc cho chính mình, ngay giây phút đó chính ta được an lạc vậy. Đó chính là tâm đạo, cũng chính là bồ tát đạo, là con đường tối thắng, vững chãi đưa chúng ta đến ngày toàn giác .
Tác giả: TT. Thích Minh Hạnh